AI Cập nghi ngờ IS nhúng tay vào vụ giết thanh niên Italy

Quan hệ Italy và Ai Cập tiếp tục căng thẳng khi Italy áp lực đòi Ai Cập phải làm rõ nguyên nhân cái chết của một nghiên cứu sinh người Italy.
AI Cập nghi ngờ IS nhúng tay vào vụ giết thanh niên Italy ảnh 1Giulio Regeni. (Nguồn: theguardian.com)

Quan hệ Italy và Ai Cập tiếp tục căng thẳng khi Italy gia tăng áp lực đòi Ai Cập phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của một nghiên cứu sinh người Italy tại Cairo cách đây hai tuần.

Xác của Giulio Regeni, 28 tuổi, đang học tiến sỹ tại Đại học Mỹ ở Cairo, đã được tìm thấy hôm 3/2, hơn một tuần sau khi được báo mất tích vào ngày 25/1, trùng vào dịp kỉ niệm ngày "cuộc cách mạng Arab" lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011.

Khám nghiệm tử thi cho thấy Regeni đã bị tra tấn trước khi chết. Nhiều nhân chứng cho biết, Regeni, từng viết khá nhiều bài báo về tình hình thời sự và vấn đề các nghiệp đoàn ở Ai Cập đã bị cảnh sát bắt đi.

Nhật báo Ai Cập Al Masry Al Youm tiết lộ rằng, Regeni đã bị giết trong một căn hộ ở Cairo trước khi xác người thanh niên này được vứt ra một con đường vắng vẻ ở ngoại ô thủ đô của Ai Cập.

Báo chí Italy đã liên tục công kích chính phủ Ai Cập trong thời gian qua, cho rằng nước này đã tìm cách ém nhẹm các thông tin liên quan đến cái chết này và đòi hỏi cần phải có sự giải thích rõ ràng từ Cairo.

Trả lời nhật báo La Repubblica, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni khẳng định rằng, "Italy sẽ không hài lòng với một sự thật mang tính xóa dịu."

"Ai Cập là một đối tác chiến lược của Italy và có một vai trò then chốt trong sự ổn định của khu vực", ông nói. "Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các quan điểm của chúng ta (Italy) về nhân quyền và Italy có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình."

Trước đó, Thứ trưởng ngoại giao Italy Benedetto della Vedova đã lên tiếng phủ nhận các tin đồn nói rằng, Regeni là một "cộng tác viên" của tình báo Italy tại Bắc Phi.

Hôm 10/2, trả lời kênh phát thanh RAI Radio, Đại sứ Ai Cập tại Italy Amr Helmy khẳng định rằng, cảnh sát Ai Cập không hề bắt giữ Regeni và những cáo buộc về sự dính líu của lực lượng an ninh nước này trong cái chết của Regeni là vô căn cứ và có mục đích "phá hoại quan hệ giữa hai nước."

"Chúng tôi không ngây thơ đến mức giết một thanh niên Italy và rồi vứt xác của anh ta ra đường vào ngày mà một Bộ trưởng Italy đến Cairo", ông nói. Xác của Regeni được tìm thấy hôm 3/2, đúng vào ngày Bộ trưởng phát triển kinh tế Italy Federica Guidi thăm Ai Cập.

Ông cũng cho rằng, không loại trừ khả năng những kẻ giết người là phần tử Hồi giáo cực đoan và có thể cả Nhà nước Hồi giáo (IS) đã ra tay để đổ vấy trách nhiệm lên Ai Cập. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một nhóm khủng bố Hồi giáo nào nhận trách nhiệm về vụ giết người này.

Cái chết của Regeni xảy ra trong hoàn cảnh Italy đang tìm cách xác lập một chính sách đối ngoại mang tính chủ động hơn ở Bắc Phi, trong đó có việc thuyết phục Ai Cập tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS và ngăn chặn không cho tổ chức này mở rộng ảnh hưởng và vùng chiếm đóng của chúng ở Libya, từ đó đe dọa Italy.

Hồi tháng 7/2015, lãnh sự quán Italy ở Cairo đã bị đánh bom làm nhiều người bị thương. IS đã nhận trách nhiệm về vụ này. Vụ đánh bom này được cho là một tín hiệu cảnh báo với chính phủ Rome về gia tăng ảnh hưởng của Italy tại Bắc Phi nhằm chống lại IS./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.