Ai Cập và Mỹ tiếp tục phối hợp khôi phục ổn định ở Trung Đông

Tổng thống Ai Cập và người đồng cấp Mỹ nhất trí tiếp tục nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách quyết liệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của phối hợp chống các nhóm vũ trang cực đoan.
Ai Cập và Mỹ tiếp tục phối hợp khôi phục ổn định ở Trung Đông ảnh 1Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhất trí tiếp tục các nỗ lực nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách quyết liệt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chống lại các nhóm vũ trang và cực đoan, cũng như những quốc gia ủng hộ và hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập, ông Alaa Youssef cho biết trong cuộc điện đàm ngày 9/6, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, chính sách tiếp tục can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác thông qua việc ủng hộ tư tưởng cực đoan và các nhóm khủng bố là "không thể chấp nhận được."

Tổng thống El-Sisi đánh giá cao sự hiện diện của nhà lãnh đạo Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Arab Hồi giáo hồi tháng trước, sự kiện đặt nền móng cho một mặt trận thống nhất nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố ở tất cả các cấp độ.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết trong các quốc gia Arab.

Hai nhà lãnh đạo Ai Cập và Mỹ thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp và tham vấn ở cấp cao nhằm thúc đẩy các nỗ lực khôi phục ổn định tại khu vực Trung Đông và loại bỏ chủ nghĩa khủng bố.

Đây là cuộc điện đàm thứ tư của Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo khu vực kể từ sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và một số quốc gia khác tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 5/6 vừa qua, với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố.

Các quốc gia Arab và vùng Vịnh không ngừng đưa ra những động thái nhằm ép buộc Qatar phải nhượng bộ và bày tỏ thiện chí điều chỉnh chính sách về các vấn đề khu vực. Trong khi đó, Qatar vẫn cương quyết cho rằng họ có quyền tự chủ và độc lập về chính sách ngoại giao.

Ngày 9/6, bốn quốc gia Arab cắt đứt quan hệ với Qatar đã liệt hàng chục người, với cáo buộc liên quan đến Qatar, vào danh sách khủng bố, làm dấy lên căng thẳng đe dọa sự ổn định trong khu vực.

Trong một tuyên bố chung, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 người, trong đó có thủ lĩnh tinh thần của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) Yousef al-Qaradawi và 12 thực thể khác, trong đó có các tổ chức từ thiện của Qatar, vào danh sách này.

Theo đánh giá của giới quan sát khu vực và quốc tế, những căng thẳng ngoại giao hiện nay nếu không được giải quyết thông qua đối thoại chắc chắn sẽ đẩy khu vực vào một viễn cảnh phức tạo hơn.

Giới phân tích cũng cho rằng, để giải quyết tận gốc mối bất hòa giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh, các bên cần phải xây dựng lòng tin vững chắc về chính trị trước khi có thể thỏa hiệp về các vấn đề khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.