Thị trường SIM số đẹp đã có những chuyển biến không nhỏ sau khi nhà chức trách công bố chính thức lộ trình chuyển đổi thuê bao từ 11 số sang 10 số, bắt đầu từ ngày 15/9 tới.
Lên đời nhờ… SIM rác
Cách đây một tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố lộ trình chuyển đổi thuê bao từ 11 số sang 10 số. Và ngay lập tức, thị trường SIM số đẹp đã có những thay đổi không hề nhỏ.
Trong kế hoạch chuyển đổi, mã mạng cũ (đầu số) của MobiFone là 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ được đổi về mã mạng 070, 079, 077, 076, 078; Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164,0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039 trong khi đó VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082. Trong khi đó, Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang thuê bao 10 số đầu số 05x. Với Vietnamobile, số 0188, 0186 sẽ được đổi sang đầu số 056, 058; Gtel là 0199 sẽ được đổi sang 059.
[Hơn 60 triệu thuê bao sẽ bị tác động khi chuyển từ 11 số thành 10 số]
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, trong khi SIM số bình thường vẫn "án binh bất động" thì phần SIM số đẹp của thuê bao 11 số lập tức nhộn nhịp. Giới buôn SIM đã ngay lập tức "găm" hàng khi nhiều người dân nhanh chóng đi tìm cho mình những số ưng ý như tam hoa, tứ quý, ngũ quý, số lặp…
Anh Q.L, một người dùng cho biết, trước đây anh mua một số đẹp 01xxx88888 với giá 7 triệu đồng và thường lắp vào điện thoại để dùng data là chính và cũng không thấy ai hỏi mua. Tuy nhiên, khi có thông tin chuyển đổi mã mạng, nhiều người đã hỏi mua số của anh và anh đã quyết định bán với giá gần 300 triệu đồng.
Chị N.Phan, một chủ cửa hàng SIM thẻ ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nếu đem ra so sánh, SIM 11 số đẹp trước và sau thời điểm thông tin được công bố tăng từ 4-7 lần tùy số và nhà mạng cung cấp. Vi dụ như SIM 01xxxxx6666 từ 20-30 triệu đồng lên tới 40-60 triệu đồng tùy nhà mạng. Trong khi đó, những số đẹp hơn như 01xxxx88888, 99999… thì mức độ tăng giá còn cao hơn nữa.
Lý giải về điều này, chị N.Phan nói, nếu như trước đây, SIM 11 số ‘bị chê’ là SIM rác, số đẹp đến mấy cũng không so sánh được "đẳng cấp" với đầu 10 số thì hiện nay giá trị đã được thay đổi khi loại SIM này về 10 số.
Sẽ còn tăng tiếp
Tuy nhiên, theo chủ đại lý SIM thẻ này, nói như vậy không có nghĩa là "đẳng cấp" đã được san bằng với các đầu số truyền thống. Bởi lẽ cũng là những số đuôi tương tự nhưng là những đầu số cũ sẽ có giá cao hơn nhiều lần. Giả dụ như sim ngũ quý 8 của các đầu số như 090, 097, 098, 091, 094… có giá từ 600 triệu đồng tới trên 2 tỷ đồng thì các đầu số mới chỉ từ 300 triệu đồng tới 1,3 tỷ đồng (tùy số ở giữa và thương hiệu của nhà mạng).
Anh P.Nguyễn, một người cung cấp SIM số đẹp cũng cho hay, thị trường SIM 11 số đẹp sau "giờ G" đã có thời điểm "chững" lại sau khi công bố chuyển đổi số của nhà chức trách. Lý do là bởi nhiều người kinh doanh quyết định lùng những số đẹp và "găm" hàng chờ tăng giá.
"Chắc chắn sau ngày 15/9, khi nhà mạng bắt đầu chuyển đổi mã mạng, giá của SIM 11 số đẹp hiện tại sẽ tăng lên. Song, chỉ có những người ‘trường vốn’ mới có thể ‘ôm’ hàng đợi," anh P.Nguyễn nói.
Chị N.Phan thì cho biết có những người mỗi tháng tốn cả trăm triệu đồng để "nuôi" số đẹp (nộp tiền thuê bao, nạp thẻ để giữ cho liên lạc không bị gián đoạn) để chờ thời điểm bán được giá.
Tuy nhiên, theo giới buôn SIM thì cho dù giữa tháng Chín sẽ có đợt tăng giá mới. Tuy nhiên, mức độ tăng sẽ không nhanh và lớn như thời điểm mới công bố và dẫu sao thì đây cũng là thời điểm mà dân buôn SIM số đẹp bận rộn…
[Chuyển SIM 11 số sang 10 số: Nhà mạng chuẩn bị thế nào?]
Ở một góc khác, có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi từ SIM 11 số sang 10 số cũng đồng nghĩa với việc nhà mạng sẽ cơ cấu lại lượng SIM số đẹp để bán cho khách hàng với giá cam kết cao hơn. Tuy nhiên, thực tế thì SIM 11 số được cung cấp ra thị trường từ năm 2008 với nhiều gói cước rẻ để cạnh tranh nên đa phần sẽ nằm ở… thị trường chứ không còn nhiều số đẹp trong kho số.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, việc chuyển đổi mã mạng sẽ ảnh hưởng tới khoảng 60 triệu thuê bao. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý thì không hề phân biệt đầu số đẹp hay xấu mà các đầu số được coi như nhau. Tuy nhiên, quá trình làm việc giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp viễn thông để xác định nhà mạng nào được đầu số nào cũng "không ngắn" và việc phân chia đầu số như công bố là phương án tối ưu./.