Albania không thể bầu được tổng thống mới sau bỏ phiếu vòng 1

Ngày 19/4, Albania đã không thể bầu ra một tổng thống mới sau khi không có ứng cử viên nào được đề cử trong cuộc bỏ phiếu vòng 1.
Albania không thể bầu được tổng thống mới sau bỏ phiếu vòng 1 ảnh 1Thủ tướng Albania Edi Rama trong buổi phỏng vấn ở Belgrade, Serbia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/4, Albania đã không thể bầu ra một tổng thống mới sau khi không có ứng cử viên nào được đề cử trong cuộc bỏ phiếu vòng 1.

Đảng Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Edi Ram đã quyết định không đưa ra ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu trên nhằm thể hiện thiện chí đối với đảng Dân chủ đối lập, vốn rút khỏi quốc hội cách đây hai tháng.

Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp quốc hội Vasilika Hysi xác nhận kể cả khi không có ứng cử viên nào thì vòng 1 cũng coi như đã được tổ chức.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Ilir Meta nêu rõ việc không đưa ra ứng cử viên nhằm thể hiện mong muốn đối thoại với phe đối lập về vấn đề tổng thống mới, để từ đó có được sự đồng thuận của tất cả các lực lượng chính trị tại Albania.

Kể từ giữa tháng Hai vừa qua, phe đối lập tại Albania đã tẩy chay quốc hội, kêu gọi thành lập một chính phủ kỹ trị chuyển tiếp nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Theo hiến pháp Albania, một ứng cử viên có thể được bầu làm tổng thống nếu như giành được sự ủng hộ của 84 trên tổng số 140 nghị sỹ. Hiện liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Theo kế hoạch, vòng bỏ phiếu tiếp theo diễn ra vào ngày 20/4.

Nếu một tổng thống, chức danh vốn chỉ mang tính nghi thức tại Albania, không được bầu ra sau năm vòng bỏ phiếu, quốc hội sẽ bị giải tán và các cuộc tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra. Dự kiến tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 18/6 tới, song phe đối lập đã cảnh báo sẽ tẩy chay.

Sự tẩy chay của lực lượng đối lập trong quốc hội đã khiến một số cải cách bị chặn lại, trong đó có một dự luật quan trọng về tư pháp mà Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu để chấp thuận cho Albania trở thành thành viên đầy đủ của khối này.

Albania là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ năm 2009. Hiện quốc gia này muốn tham gia EU và hy vọng sẽ khởi động các cuộc đàm phán vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.