Ngày 26/6, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí mở các cuộc đàm phán về việc Albania và Macedonia gia nhập liên minh này bắt đầu vào tháng 6/2019, nếu một số điều kiện nhất định được đáp ứng.
Trên mạng xã hội Twitter, Bulgaria - nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết các nước thành viên EU đã lên kế hoạch hướng tới các cuộc đàm phán gia nhập khối đối với Macedonia và Albania vào tháng 6 năm sau.
[Macedonia quyết định đổi tên nước để có thể gia nhập EU, NATO]
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Áo Gernot Bluemel cho hay ông đã đề nghị Ủy ban châu Âu chuẩn bị cơ sở cho việc mở các cuộc đàm phán gia nhập liên minh đối với hai nước này, song nhấn mạnh "phải đáp ứng được những điều kiện nhất định."
Áo sẽ tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU từ tháng 7 tới.
Theo yêu cầu của EU, Albania cần phải đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và nạn tham nhũng. Trong khi đó, việc Macedonia đạt thỏa thuận đổi tên nước với Hy Lạp thành Cộng hòa Bắc Macedonia đã thuyết phục được một số quốc gia thành viên EU còn do dự về việc đàm phán gia nhập liên minh của đất nước nhỏ bé vùng Balkan này.
Theo thỏa thuận, Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, việc đổi tên này vẫn cần phải được đa số người dân Macedonia bỏ phiếu thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 9 tới.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cảnh báo nếu thỏa thuận không nhận được sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân, điều này đồng nghĩa với việc đàm phán gia nhập EU sẽ bị trì hoãn và việc gia nhập NATO sẽ bị hủy bỏ.
Trong khi đó, cùng ngày, các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của EU cho biết tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này đã rơi vào bế tắc do Ankara ngày càng xa rời EU và hầu như ít triển vọng thay đổi điều này trong tương lai gần.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU đã trở nên căng thẳng sau khi hai bên xảy ra bất đồng về một loạt vấn đề trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiến hành chiến dịch trấn áp quy mô lớn sau khi đập tan cuộc đảo chính quân sự tại nước này hồi tháng 7/2016./.