Algeria cần thực hiện cải cách trong bối cảnh giá dầu lao dốc

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới, Algeria cần phải cấp thiết thực hiện cải cách, thắt chặt chi tiêu ngân sách và giảm nhập khẩu.
Một nhà máy lọc dầu tại Algeria. (Nguồn: forbes.com)

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới, Algeria cần phải cấp thiết thực hiện cải cách nhằm mục đích không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn, mà còn để hỗ trợ tài chính cho mô hình tăng trưởng mới. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Mustapha Mekideche tại hội nghị về an ninh năng lượng và chuyển đổi kinh tế mới gần đây.

Giá dầu lao dốc gây sức ép tài chính lớn đến quá trình chuyển đổi nền kinh tế, thâm hụt ngân sách và nguồn tiền từ Quỹ điều chỉnh thu nhập (FRR) giảm mạnh.

Tình hình này buộc Algeria phải khẩn cấp thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm nhập khẩu và thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa nội địa, huy động từ quỹ tiết kiệm quốc gia để hỗ trợ đầu tư, và cải cách thuế.

Ông Mekideche khuyến nghị thực hiện cải cách chuyển giao xã hội và trợ cấp cần được bắt đầu bằng cải cách liên quan đến nhiên liệu. Điều cần thiết là ưu tiên phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn 95% doanh nghiệp quy mô nhỏ (9 nhân công) và chỉ có 3 doanh nghiệp bảo đảm 80% xuất khẩu phi dầu khí.

Về đầu tư nước ngoài tại Algeria, ông Mekideche cho rằng nên hướng đầu tư ra nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh cần phải phát triển nguồn nhân lực và tăng quy mô của các doanh nghiệp Algeria, yếu tố quan trọng cho thành công cải cách kinh tế.

Nhưng sự chuyển đổi nền kinh tế này phải gắn liền với chuyển đổi năng lượng cần thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Chuyển đổi năng lượng rất tốn kém, phức tạp và đi liền với mô hình mới về năng lượng phát thải thấp.

Ông Mekideche cũng đưa ra dự báo an ninh năng lượng của Algeria sẽ bị đe dọa trong dài hạn do nguồn tài nguyên dầu khí truyền thống bị suy giảm, giá dầu thế giới giảm và nhu cầu trong nước sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030.

Trữ lượng theo tính toán sẽ không đáp ứng xuất khẩu và sẽ hướng vào thị trường nội địa từ năm 2030. Do vậy không thể tránh khỏi việc phải khai thác khí đá phiến, phát triển năng lượng tái tạo và hài hòa mô hình tiêu dùng năng lượng.

Ông Mekideche khẳng định sản xuất nhờ vào các nhà máy điện sử dụng năng lượng Mặt Trời và khí đốt sẽ có thể tiết kiệm 570 tỷ m3 trong 25 năm, trong khi tiết kiệm năng lượng nhờ vào chương trình năng lượng tái tạo sẽ vượt 15 triệu tấn dầu quy đổi trong 25 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục