Ngày 12/11, một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho rằng các đề xuất mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc chấm dứt trợ cấp đánh bắt thủy sản là không công bằng và theo hướng có lợi cho các quốc gia giàu có.
Chính phủ các nước đã chi hàng tỷ USD/năm để trợ cấp việc đánh bắt thủy sản, song lại dẫn đến nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái thủy hải sản của thế giới.
Để đối phó với tình trạng này, WTO đã đưa ra một dự thảo chấm dứt trợ cấp cho hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), dự kiến sẽ được thảo luận vào cuối tháng 11 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra vẫn chưa giải tỏa được mối quan ngại của các nước đang phát triển như Ấn Độ.
Ông cho rằng đề xuất đó “không thay đổi được bất kỳ điều gì đối với các quốc gia lớn,” chỉ trích điều này là “không công bằng và có lợi cho các quốc gia phát triển đánh bắt thủy hải sản.”
[WTO họp kín về thỏa thuận toàn cầu cấm trợ cấp đánh bắt cá tận diệt]
Trước đó, đầu năm nay, Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn "các nước trợ cấp lớn" - như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu - có trách nhiệm lớn hơn trong việc giảm trợ cấp và năng lực đánh bắt thủy hải sản.
Tại cuộc họp của WTO hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal nhấn mạnh “Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải thừa nhận rằng những quốc gia khác nhau đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và các thỏa thuận về đánh bắt thủy, hải sản hiện nay phản ánh khả năng kinh tế của họ.”
Theo WTO, trợ cấp nghề cá toàn cầu ước tính từ 14 đến 54 tỷ USD mỗi năm. Trong hơn 20 năm qua, các quốc gia thành viên WTO đã nỗ lực để đạt được thỏa thuận về vấn đề này và vào năm 2020 đã bỏ lỡ thời hạn để đạt được thỏa thuận vào cuối năm.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala coi việc đạt được thỏa thuận chấm dứt trợ cấp đánh bắt thủy hải sản vào cuối năm nay là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức này./.