Mỹ khiếu nại Hàn Quốc về việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp

Mỹ cho rằng Hàn Quốc đã không có biện pháp cứng rắn đối với một số tàu của ngư dân nước này, như để tàu ngư dân vi phạm các cam kết trong hoạt động đánh bắt cá.

Nhà chức trách Mỹ ngày 19/9 thông báo đã khiếu nại Hàn Quốc về việc đánh bắt cá bất hợp pháp, dựa trên các điều khoản quy định về môi trường trong Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn. 

Theo đó, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết cơ quan này dự định thúc đẩy các tham vấn về vấn đề môi trường với phía Hàn Quốc dựa trên các điều khoản của Hiệp định. Đây sẽ là bước đầu tiên trong trình tự khiếu nại thương mại chính thức. 

Báo cáo của Văn phòng đại diện thương mại và Cơ quan Dịch vụ Thủy sản của Mỹ cho rằng Hàn Quốc đã không có biện pháp cứng rắn đối với một số tàu của ngư dân nước này, như để tàu ngư dân vi phạm các cam kết trong hoạt động đánh bắt cá; chỉ tạm đình chỉ giấy phép của các tàu vi phạm chứ không phạt tiền hay tịch thu hải sản đánh bắt được.

Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn bắt đầu được thực thi từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và được gọi tắt là KORUS.

[Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tham vấn về cạnh tranh theo khuôn khổ FTA]

Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu thương lượng lại hiệp định này. Ngày 24/9/2018, Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ký Hiệp định đã được thương lượng lại và gọi tắt là USKTA.

Hiệp định này quy định những bước đi để mở cửa thị trường Hàn Quốc nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là xe hơi.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được đưa ra khỏi danh sách các nước phải chịu thuế nhập khẩu cao khi xuất khẩu thép vào Mỹ, tuy nhiên phải giới hạn lượng thép xuất khẩu.

Tháng Ba vừa qua, nhà chức trách Mỹ cũng tranh cãi với phía Hàn Quốc căn cứ hiệp định trên, cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh của Hàn Quốc đã đối xử không công bằng với các công ty Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.