Ngày 25/2, Chính phủ Ấn Độ ngày 25/2 đã công bố các quy định mới nhằm quản lý nội dung kỹ thuật số, bao gồm bộ quy tắc đạo đức và khuôn khổ giải quyết khiếu nại ba cấp đối với các trang web tin tức và nền tảng cung cấp nội dung trực tuyến qua Internet (OTT).
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad khẳng định các quy định mới sẽ trao thêm quyền hạn cho người dùng mạng xã hội và buộc các công ty truyền thông xã hội lớn như như Facebook hay Twitter phải chịu trách nhiệm lớn hơn, đồng thời có trách nhiệm giải trình cao hơn đối với những nội dung được chia sẻ qua các nền tảng của họ.
Bộ quy định mới này sẽ lần đầu tiên xác định cách thức các tổ chức tin tức kỹ thuật số, nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ OTT được chính phủ quản lý. Bộ quy định bao gồm một cơ chế giám sát nghiêm ngặt liên quan đến một số bộ và một bộ quy tắc đạo đức cấm những nội dung ảnh hưởng đến "chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ" và những nội dung đe dọa an ninh quốc gia.
Quy định mới cũng yêu cầu các công ty phải bổ nhiệm một lãnh đạo phụ trách việc tuân thủ quy định nói trên, một đại diện phụ trách phối hợp thực thi pháp luật và một đại diện về giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, theo quy định mới, các hãng truyền thông xã hội, cung cấp các dịch vụ phát trực tuyến và tin tức kỹ thuật số, trong đó có Facebook và Twitter, sẽ phải xóa nội dung trong vòng 24 giờ kể từ khi có khiếu nại. Các công ty này sẽ buộc phải tiết lộ người gửi tin nhắn hoặc đăng bài viết khi được yêu cầu làm như vậy thông qua một mệnh lệnh có tính pháp lý.
[Ấn Độ tăng cường kiểm soát các công ty truyền thông xã hội]
Chính phủ Ấn Độ sẽ công bố tài liệu chi tiết về các quy định mới trong thời gian tới và tài liệu này sẽ có hiệu lực sau đó 3 tháng, song hiện chưa rõ thời điểm công bố. Trong phản ứng đầu tiên, Facebook bày tỏ hoan nghênh những quy tắc mới trên quy định cách thức giải quyết những thách thức trang mạng, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu cẩn thận các quy định mới này. Trong khi đó, Twitter từ chối bình luận về thông tin trên.
Việc Chính phủ Ấn Độ siết chặt kiểm soát các hãng truyền thông xã hội diễn ra tiếp sau một cuộc tranh cãi với Twitter, trong đó mạng xã hội này đã phớt lờ các yêu cầu của Ấn Độ về việc xóa những nội dung liên quan đến những cuộc biểu tình của nông dân. Sự việc này đã làm tăng thêm quyết tâm của Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi kể từ năm 2018 nhằm thắt chặt quy định đối với những nội dung bị xem là thông tin sai lệch hoặc bất hợp pháp./.