Ấn Độ đang thu hẹp khoảng cách địa chính trị với Nga

Năm 2020 đã chứng kiến một số xu hướng tác động đến cả Ấn Độ và Nga nhưng không vấn đề nào ảnh hưởng đến mối quan hệ Ấn-Nga nhiều như căng thẳng biên giới Ấn-Trung.
Ấn Độ đang thu hẹp khoảng cách địa chính trị với Nga ảnh 1(Nguồn: dnaindia.com)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin chuyến thăm sắp tới của Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla tới Moskva là một dịp tốt để xem xét tính tương thích của mối quan hệ Ấn-Nga trong một thế giới mà những cân bằng địa chính trị đang thay đổi, được đẩy nhanh do đại dịch COVID-19.

Năm 2020 đã chứng kiến một số xu hướng tác động đến cả Ấn Độ và Nga như sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đụng độ ở biên giới Ấn-Trung, mối quan hệ tiếp tục xấu đi giữa phương Tây với Nga và sự thay đổi chủ nhân Nhà Trắng tại Washington.

Không vấn đề nào ảnh hưởng đến mối quan hệ Ấn-Nga nhiều như căng thẳng biên giới Ấn-Trung.

Hành động gây hấn của Trung Quốc hồi tháng 4-5/2020 ở khu vực biên giới phía Đông Ladakh đã đưa quan hệ Ấn-Trung đến điểm mang tính bước ngoặt, song cũng cho thấy Nga có khả năng xoa dịu những căng thẳng với Trung Quốc.

[Những thăng trầm trong việc thúc đẩy quan hệ Ấn-Nga]

Mặt khác, thái độ mập mờ của Nga lúc đầu đã làm giảm vị thế của nước này trong con mắt người dân Ấn Độ.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi các cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra tại Moskva bên lề Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 9/2020.

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã gặp những người đồng cấp Trung Quốc lần lượt vào các ngày 5 và 10/9.

Đầu tháng 6/2020, ông Singh đã tới Moskva dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã gặp người đồng cấp Sergey Shoigu và các quan chức khác của Nga.

Moskva đã hứa sẽ xem xét nghiêm túc các yêu cầu của Ấn Độ về việc sớm thực hiện các đơn hàng vũ khí trong bối cảnh xung đột biên giới Ấn-Trung gia tăng, bất chấp một số phản đối không chính thức từ phía Trung Quốc.

Những tiến triển trong năm 2020, tiếp sau cuộc gặp thượng đỉnh được cho là thành công tốt đẹp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi hồi tháng 5/2018 và Hội nghị thượng đỉnh mang tính “mở đường” tại Vladivostok hồi tháng 9/2019, có thể tạo ấn tượng rằng quan hệ Ấn-Nga đang “vào guồng,” đã vượt qua thời kỳ gián đoạn trước đó. Tuy nhiên, một số xu hướng địa chính trị đang diễn ra cho thấy kết luận như vậy là hơi vội.

Ấn Độ đang thu hẹp khoảng cách địa chính trị với Nga ảnh 2Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Điểm bước ngoặt trong quan hệ Ấn-Trung đã khiến New Delhi rũ bỏ “những do dự trong quá khứ” và tích cực theo đuổi các chính sách cứng rắn hơn để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Điều này bao gồm việc theo đuổi một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ; quyết tâm tái khởi động tiến trình Bộ Tứ kim cương (gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ); tuyên bố rõ ràng hơn về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” một chính sách láng giềng năng động; cũng như vươn tầm mạnh mẽ sang Đông và Tây Á.

Về phần mình, kể từ năm 2014, Nga đã phải đối mặt với mối quan hệ xấu đi với phương Tây do Mỹ đứng đầu sau cuộc khủng hoảng Ukraine, và hiện ngày càng trở nên trầm trọng hơn do phản ứng của phương Tây trước vụ đầu độc và bắt giữ nhà hoạt động chính trị chống đối Alexey Navalny sau khi ông này về Nga.

Nga đã phản ứng với những nỗ lực nhằm cô lập nước này bằng cách khởi động lại kế hoạch “xoay trục sang phía Đông,” với những kết quả đáng kể nhất là quan hệ với Trung Quốc được cải thiện rõ rệt, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ (dù vẫn có chút trục trặc), Iran và Pakistan cũng tốt đẹp hơn.

Nga cũng đã chính thức tỏ thái độ lạnh nhạt với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi đây là một ý đồ để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga luôn nói rằng họ không coi mình là đối tác thấp hơn của bất kỳ ai.

Những xu hướng đó kết hợp với quan hệ kinh tế song phương ở mức thấp hơn tiềm năng, và những khác biệt có thể có so với “những người bạn mới” của hai nước, cho thấy quan hệ Ấn-Nga có thể phải đối mặt với những thách thức bất ổn phía trước.

Nếu những bước đi gần đây của Ấn Độ là một chỉ dấu, có vẻ như các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được những cạm bẫy và đang thực hiện các bước để tăng cường tiếp xúc và đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác với Nga.

Ngoài những lĩnh vực hợp tác truyền thống như mua bán vũ khí, hydrocacbon, năng lượng hạt nhân và kim cương, các ngành kinh tế mới có thể sẽ nổi lên là khai mỏ, nông-công nghiệp và công nghệ cao, bao gồm cả robot, công nghệ nano và công nghệ sinh học.

Sự hiện diện của Ấn Độ ở vùng Viễn Đông của Nga và ở Bắc Cực đang được mở rộng. Các dự án kết nối cũng có thể được đẩy mạnh.

Ấn Độ và Nga đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về vấn đề Afghanistan và kêu gọi sớm hoàn tất “Công ước toàn diện về chống khủng bố quốc tế.”

Ngoài ra, Nga cũng ủng hộ Ấn Độ ứng cử vào chiếc ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau cải tổ và trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân. Ấn Độ và Nga cũng có kế hoạch tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, các nước SCO và G20. Ấn Độ nên tạo điều kiện để Nga tham gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nga có thể không sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một thời gian, nhưng sự tham gia tích cực của nước này, bất kể động cơ là gì, vào khu vực sẽ có ý nghĩa lớn hơn bất kỳ ngôn từ nào và góp phần làm cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên “tự do và rộng mở.”

Cuối cùng, các cường quốc thế giới, đặc biệt là các cường quốc cùng tham gia với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phải biết rằng một siêu lục địa Á-Âu đa cực là không thể nếu thiếu Nga.

Ngăn chặn sự xuất hiện của một bá chủ ở Á-Âu mà không có Nga, với quy mô và nguồn lực của nước này, là điều gần như bất khả thi.

Ngày nay, Nga, cũng giống như Ấn Độ, muốn một thế giới với nhiều trung tâm quyền lực. Không được để mất cơ hội đó./.  

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.