Ngày 11/5, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã khiển trách giới chức một số bang của nước này do phản ứng chậm trước nạn hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, cho rằng một số bang đã có "thái độ bàng quan" đối với thảm họa này, đồng thời kêu gọi chính quyền trung ương thành lập một quỹ hạn hán.
Tòa án Tối cao Ấn Độ cho biết hơn 330 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số Ấn Độ, tại 13 trong tổng số 29 bang của Ấn Độ, trong đó có bang Haryana, Bihar, Gujarat, Maharashtra, Odisha, Uttar Pradesh và Karnataka đang phải chịu cảnh thiếu nước.
Trong khi đó, các bang ở miền Bắc như Haryana và Bihar vẫn chưa công bố nạn hạn hán, còn bang Gujarat ở miền Tây lại công bố muộn.
Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng sự im lặng của chính quyền các bang đã khiến cho người nghèo trở thành những người chịu thiệt thòi nhất.
Nạn hạn hán ở Ấn Độ đã làm mùa màng thất bát, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và nợ nần tăng lên, khiến hàng nghìn gia đình ở nước này phải rời bỏ làng mạc để tìm lương thực, nước và việc làm.
Trước đó, tổ chức phi lợi nhuận Swaraj Abhiyan có trụ sở ở Delhi đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao Ấn Độ, cho rằng phương pháp công bố hạn hán hiện nay của Ấn Độ là không khoa học, lỗi thời và tùy tiện khiến cho nạn hạn hán này không được thừa nhận là một thảm họa quốc gia.
Ngày 10/5, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Ấn Độ Birendra Singh thông báo trước Quốc hội rằng gần 160.000 ngôi làng đã bị ảnh hưởng và chính quyền trung ương đã phân bổ 13,6 tỷ rupee (200 triệu USD) cho các bang trước khi xảy ra tình trạng hạn hán.
Về vấn đề này, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền trung ương phải thành lập một quỹ quản lý thảm họa trong vòng 3 tháng và xây dựng những hướng dẫn tiêu chuẩn, trong đó có khung thời gian, về công bố tình trạng hạn hán./.