Ấn Độ góp mặt 3 thành phố trong tốp 10 đô thị ô nhiễm nhất thế giới

Theo bảng xếp hạng của Công ty Giám sát Chất lượng Không khí IQAir, New Delhi đứng vị trí đầu tiên với chỉ số AQI ở mức "nguy hiểm" 407, Mumbai đứng thứ 6 và Kolkata đứng thứ 7.

Sương mù bao phủ tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sương mù bao phủ tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ngày 13/11, các thành phố Mumbai và Kolkata của Ấn Độ cùng thủ đô New Delhi đã bị xếp vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, sau khi người dân đốt pháo ăn mừng Lễ hội Ánh sáng Diwali, dịp lễ truyền thống hằng năm của người Hindu.

Theo bảng xếp hạng của Công ty Giám sát Chất lượng Không khí IQAir (Thụy Sĩ) công bố ngày 13/11, New Delhi đứng vị trí đầu tiên như thường lệ, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức "nguy hiểm" là 407.

Thủ đô Tài chính Mumbai đứng thứ 6 với chỉ số AQI đạt 157, trong khi thành phố Kolkata ở miền Đông Ấn Độ đứng thứ 7 với chỉ số AQI đạt 154.

Chỉ số AQI từ 400-500 được đánh giá là có ảnh hưởng đến những người có sức khỏe tốt và gây nguy hiểm cho những người đang mắc bệnh, trong khi AQI ở mức 150-200 gây khó chịu cho người mắc bệnh hen suyễn, phổi và tim mạch. AQI ở mức 0-50 được coi là tốt.

Sương mù dày đặc bao trùm New Delhi từ tối 12/11, đưa chỉ số AQI lên mức đáng báo động 680 sau nửa đêm.

Ban Kiểm soát Ô nhiễm Không khí vùng thủ đô Delhi cho biết trong ngày 12/11, nồng độ bụi mịn PM 2,5 tại khu vực Anand Vihar nằm trong giới hạn cho phép ở mức 56ppm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, nồng độ bụi mịn đã tăng vọt lên gần 2.000ppm.

Các khu vực lân cận thủ đô Delhi cũng báo cáo mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm.

Đền Taj Mahal, một trong 7 kỳ quan thế giới, nằm cách Delhi khoảng 250km, chìm trong lớp sương mù dày đặc.

Hằng năm, chính quyền vùng thủ đô Delhi rộng lớn đều cấm đốt pháo trong dịp lễ Diwali, nhưng lệnh cấm hiếm khi được thực thi.

Chất lượng không khí ở miền Bắc Ấn Độ thường xấu đi vào trước mùa Đông, khi không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm từ những nguồn phát thải như xe cộ, hoạt động công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục