Ấn Độ hợp tác với Nhật Bản trong sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo

Các nhà khoa học của Nhật Bản và Ấn Độ đang nghiên cứu về tính khả thi của một sứ mệnh vệ tinh chung nhằm thăm dò vùng cực của Mặt Trăng, có thể được thực hiện vào năm 2024.
Ấn Độ hợp tác với Nhật Bản trong sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo ảnh 1Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ. (Ảnh: ISRO)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo đang lên kế hoạch cho một sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo với quy mô lớn hơn. Thông tin được đưa ra sau khi tàu đổ bộ Vikram trong sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ đã bị mất tín hiệu liên lạc, nhiều khả năng do không thể hạ cánh trơn tru xuống bề mặt Mặt Trăng.

Báo Times of India dẫn tuyên bố của ISRO cho hay, trong sứ mệnh tiếp theo này, ISRO sẽ hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). ISSO cho biết các nhà khoa học của hai bên đang nghiên cứu khả thi về một sứ mệnh chung nhằm thăm dò vùng cực của Mặt Trăng. Sứ mệnh có thể sẽ được thực hiện vào năm 2024 nhằm đưa một thiết bị tự hành lên Mặt Trăng. Sứ mệnh này diễn ra tiếp sau chuyến bay có người điều khiển vào không gian mà Ấn Độ dự định triển khai vào năm 2022.

Ban đầu, chương trình Chandrayaan-2 được lên kế hoạch triển khai dựa trên một kế hoạch hợp tác với Nga, theo đó tập đoàn vũ trụ Roscosmos sẽ cung cấp thiết bị đổ bộ. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai bên sau đó đã đổ vỡ và ISRO đã quyết định tự thực hiện sứ mệnh vào năm 2012.

[Các nhà khoa học Ấn Độ mất liên lạc với tàu thăm dò Mặt Trăng]

Trước đó, ISRO thông báo đã mất liên lạc với tàu thăm dò chỉ vài giờ trước kế hoạch dự kiến đổ bộ xuống cực Nam của Mặt Trăng. Tháng 8 vừa qua, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ đã rời quỹ đạo Trái Đất, sau 23 ngày từ khi rời bệ phóng ở bang Andha Pradesh.  Dự kiến, 13 ngày sau khi đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, ngày 7/9, tàu đổ bộ Vikram mang theo thiết bị Pragyan sẽ tách khỏi Chandrayaan-2 để hạ cánh xuống khu vực cách cực Nam Mặt Trăng khoảng 100 km.

Theo ISRO, đây là điểm xa nhất của Mặt Trăng và chưa từng có tàu nào tiếp cận được. Chương trình phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 được kỳ vọng có thể giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công việc hạ cánh xuống Mặt Trăng./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.