Quân đội Ấn Độ đã được huy động để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau khi siêu bão Amphan đổ bộ vào Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, miền Đông nước này và Bangladesh từ hôm 20/5 vừa qua làm ít nhất 112 người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Khoảng 200 binh sỹ thuộc Bộ tư lệnh miền Đông của quân đội Ấn Độ đã phối hợp với hơn 4.000 nhân viên cứu hộ, gồm cả các tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ tại các địa điểm bị thiệt hại nhất.
Theo giới chức thành phố, hiện rất nhiều khu vực tại Kolkata, nơi sinh sống của 15 triệu dân, bị chìm trong nước lũ trong khi hàng nghìn người phải sống trong cảnh mất điện và không có nước sinh hoạt.
Khó khăn vốn đã chồng chất do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nay chính quyền thành phố này lại phải vật lộn để khắc phục hậu quả của siêu bão Amphan, được xem là mạnh nhất đổ bộ vào bang Tây Bengal kể từ năm 1999.
Thủ hiến bang Tây Bengal, Mamata Banerjee nhấn mạnh: "Đây là đại thảm họa. Chúng ta cần sự kiên nhẫn, bởi vì chưa ai từng phải chứng kiến một thảm họa như vậy trước đây."
Theo ông Banerjee, những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra đang cản trở nỗ lực cứu trợ và phục hồi sau siêu bão.
[Ít nhất 106 người ở Ấn Độ và Bangladesh thiệt mạng vì siêu bão Amphan]
Theo Thủ hiến Banerjee, bão Amphan đã tàn phá nhiều nhà cửa và cây cối, hoa màu, gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người.
Đặc biệt bão Amphan đã hủy hoại khu Sundarbans, một di sản thế giới được UNESCO công nhận nằm giữa Ấn Dộ và Bangladesh, nổi tiếng với rừng đước ngập mặn. Ít nhất 25 con sông đã bị vỡ, ảnh hưởng tới ít nhất 700 ngôi làng.
Bão Amphan là siêu bão thứ hai hình thành trên Vịnh Bengal kể từ khi các dữ liệu thời tiết về khu vực này được ghi lại và cũng là siêu bão đầu tiên được hình thành ở vịnh này từ năm 1999.
Bão đổ bộ đúng thời điểm Ấn Độ cùng Bangladesh đang phải nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 nên công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi phải vừa sơ tán hàng triệu dân vừa phải đảm bảo các quy tắc giãn cách và vệ sinh dịch tễ.
Vùng duyên hải thấp của Bangladesh, nơi cư trú của khoảng 30 triệu dân và miền Đông Ấn Độ thường xuyên hứng chịu các cơn bão. Siêu lốc xoáy năm 1999 khiến gần 10.000 người dân bang Odisha của Ấn Độ thiệt mạng.
Tám năm trước đó, một cơn bão mạnh, kèm lốc xoáy và lũ lụt cũng đã cướp đi sinh mạng của 139.000 người Bangladesh.
Những năm gần đây, dù tình trạng biến đổi khí hậu khiến bão gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, nhưng các biện pháp cấp bách của chính phủ trong phòng ngừa và sơ tán sớm người dân đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại./.