Sáng 29/11 (theo giờ địa phương), Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng vệ tinh quan sát Trái Đất HysIS và 30 vệ tinh đồng hành khác lên không gian.
Theo ISRO, vào lúc 9 giờ 58, tên lửa đẩy PSLV-C43 đã rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (SDSC), đảo Sriharikota, ngoài khơi vịnh Bengal, mang theo vệ tinh quan sát HysIS29 và 30 vệ tinh, trong đó có 29 vệ tinh nano và 1 vệ tinh siêu nhỏ.
PSLV-C43 sau đó đã đưa thành công vệ tinh HysIS lên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời.
[Nhật Bản phóng vệ tinh Ibuki-2 theo dõi khí thải nhà kính]
Giới chức Ấn Độ cho hay HysIS có thời gian hoạt động trong 5 năm và sẽ cung cấp ảnh toàn cảnh Trái Đất trong nhiều thời điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, vệ tinh quan sát này cũng cung cấp dữ liệu có giá trị về nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường địa chất, các khu vực ven biển và nước ngầm. ISRO cho biết thêm vệ tinh này sẽ được phóng lên vị trí cách quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời 636km với độ nghiêng gần 98 độ.
Thông báo của ISRO cũng cho biết việc phóng 29 vệ tinh nano của 8 quốc gia là một phần trong các thỏa thuận thương mại của công ty Antrix Corporation Limited thuộc ISRO với khách hàng nước ngoài.
Đây là lần thứ hai ISRO phóng thành công vệ tinh lên không gian.
Trước đó, hôm 14/11 vừa qua, cơ quan này đã phóng vệ tinh liên lạc GSAT-29 bằng tên lửa đẩy GSLV Mark III./.