Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chiều 25/6, đã chính thức công bố quyết định triển khai thực hiện ba kế hoạch lớn nhằm phát triển các thành phố và thị trấn của Ấn Độ thành những “cỗ máy phát triển mới”.
Ba sáng kiến gồm: Xây dựng các thành phố thông minh (Smart Cities Mission –SCM), sáng kiến đổi mới và phát triển đô thị (Atal Mission for Rejuvenation and Urban Transformation –AMRUT) và sáng kiến xây dựng nhà ở cho mọi người (Housing for All) hay còn gọi là dự án “Pradhan Mantri Awas Yojana” (PMAY).
Phát biểu tại lễ phát động triển khai thực hiện ba chương trình trên, Thủ tướng Modi nói rằng, sáng kiến SCM sẽ tăng cường chất lượng cuộc sống tại 100 thành phố “thông minh”, với việc phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện dịch vụ thông qua các ứng dụng thông minh, tạo môi trường sạch và bền vững.
Những thành phố thông minh này sẽ trở thành các “cỗ máy” tăng trưởng của đất nước. Khu vực đô thị Ấn Độ đang thiếu 20 triệu nhà ở, song Chính phủ cố gắng đến năm 2022 sẽ cung cấp đủ nhà ở cho mọi người.
Hiện nay, Ấn Độ còn thiếu một tầm nhìn tổng thể về kế hoạch phát triển đô thị, song thông qua sáng kiến AMRUT, Chính phủ sẽ trao cho chính quyền các thành phố cơ hội tự lập kế hoạch phát triển trong tương lai.
Mục tiêu cơ bản của kế hoạch AMRUT là bảo đảm các cơ sở hạ tầng và vệ sinh cơ bản; tập trung cung cấp nước sạch và xây dựng hệ thống cống rãnh; đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng; xây dựng đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp, phát triển nhiều không gian xanh và không gian mở; cải thiện sự điều hành đô thị thông qua cải cách; xây dựng năng lực cho khu vực đô thị.
Trong khi đó, mục tiêu chính của PMAY là mọi hộ gia đình ở độ thị sẽ có nhà ở; xây dựng 20 triệu ngôi nhà cho người nghèo ở đô thị; Chính phủ trung ương sẽ hỗ trợ từ 100.000 rupi (khoảng 1.560 USD) đến 230.000 rupee cho mỗi nhà ở; hướng tới các thành phố không có khu nhà ổ chuột; nhà ở trong diện dự án PMAY sẽ đứng tên người vợ hoặc đứng tên chung hai vợ chồng.
Theo chương trình SCM, các thành phố sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao; áp dụng các ứng dụng thông minh để cung cấp dịch vụ tốt hơn; tăng cường chất lượng sống; đẩy mạnh phát triển kinh tế vì lợi ích của mọi tầng lớp xã hộ; khuyến khích phát triển môi trường sạch và bền vững; lựa chọn phát triển các thành phố “thông minh” thông qua cơ chế cạnh tranh./.