Ấn Độ lần đầu lọt top 10 địa điểm thu hút FDI nhiều nhất

Theo báo cáo về đầu tư thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển vừa công bố, Ấn Độ lần đầu tiên đã lọt vào nhóm 10 địa điểm thu hút đầu tư lớn nhất thế giới trong năm 2014.
Ấn Độ lần đầu lọt top 10 địa điểm thu hút FDI nhiều nhất ảnh 1Ngành công nghiệp ôtô được Ấn Độ được xác định là một lĩnh vực nòng cốt của nền kinh tế nước này. (Ảnh minh họa/Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo về đầu tư thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố, Ấn Độ lần đầu tiên đã lọt vào nhóm 10 địa điểm thu hút đầu tư lớn nhất thế giới trong năm 2014.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm 2014 đạt 34 tỷ USD, tăng 22% so với con số 28 tỷ USD của năm 2013 và chiếm tới 83,5% tổng vốn FDI trị giá 41,2 tỷ USD vào khu vực Nam Á, bao gồm cả Iran và 7 nước thành viên Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC).

Trong số 10 địa điểm thu hút đầu tư lớn nhất thế giới, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hong Kong và Mỹ chiếm phần lớn nhất.

Cụ thể, vốn FDI vào Trung Quốc đạt 129 tỷ USD so với mức 124 tỷ USD trong năm 2013; Mỹ trong năm 2013 thu hút tới 231 tỷ USD vốn FDI nhưng năm 2014 chỉ đạt 92 tỷ USD; Hong Kong thu hút 103 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014.

Các nước khác trong nhóm 10 khu vực thu hút FDI hàng đầu thế giới gồm Anh, Singapore, Brazil, Canada, Australia và Hà Lan.

Báo cáo trên của UNCTAD dự đoán FDI vào Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 nhờ dự báo nền kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh.

Riêng ngành công nghiệp ôtô được Ấn Độ mở cửa cho FDI năm 1991, và đây được xác định là một lĩnh vực nòng cốt của nền kinh tế nước này.

Ấn Độ đã thu hút được nhiều dự án đầu tư mới mà các nhà chế tạo ôtô toàn cầu công bố trong năm 2013 và 2014, trong đó có 12 dự án, với vốn FDI của mỗi dự án trên 100 triệu USD.

Trong khi đó Philippines nổi lên là một trong những quốc gia trong top 10 ở khu vực Đông Á có FDI tăng cao trong năm 2014. Philippines đứng vị trí thứ 9 trong số 10 nước nhận FDI hàng đầu ở Đông Á với 6,2 tỷ USD năm 2014, tăng 65,9% so với mức 3,7 tỷ USD trong năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.