Ấn Độ và những may rủi khi đứng giữa 'chiếc bập bênh địa chính trị'

Ấn Độ dần thay đổi, chuyển từ lập trường “không liên kết” sang lập trường mà giới học giả gọi là “liên kết đa phương” bằng cách thiết lập nhiều mối quan hệ đối tác với cả hai đối tác và đối địch.
Ấn Độ và những may rủi khi đứng giữa 'chiếc bập bênh địa chính trị' ảnh 1Các lãnh đạo trong nhóm Bộ Tứ họp. (Nguồn: ndtv.com)

Trang mạng scmp.com đưa tin tháng 3/2021, các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quan trọng và ra tuyên bố chung đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của nhóm.

Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Bộ Tứ sau nhiều năm chật vật vượt qua những rào cản và vướng mắc sau khi được thành lập.

Yếu tố then chốt góp phần “hồi sinh” Bộ Tứ trong những tháng gần đây chính là sự nhiệt tình bất ngờ của Ấn Độ.

Suốt nhiều năm, New Delhi chỉ nỗ lực cầm chừng trong việc phát triển Bộ Tứ trở thành một diễn đàn chủ động hơn.

Thế nhưng, thái độ này đã thay đổi khi quan hệ Trung-Ấn trở nên căng thẳng kể từ năm 2020, buộc Ấn Độ phải dựa vào Mỹ và các đồng minh.

[Chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày càng "hung hăng hơn"?]

Việc New Delhi năng nổ tham gia Bộ Tứ cho thấy sự chuyển hướng đáng kể liên quan đến những quy định cố hữu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Đây là vũ đài chính trị duy nhất mà Ấn Độ ngồi cùng Mỹ và một vài trong những đồng minh thân cận nhất của Washington, trong một bối cảnh chịu sự chi phối của các vấn đề địa chính trị nhạy cảm.

Mặc dù New Delhi chú trọng nhấn mạnh Bộ Tứ không phải là “NATO châu Á,” song trên thực tế, Trung Quốc là lý do chính cho sự tồn tại của nhóm này.

Hãy lấy hội nghị thượng đỉnh vừa qua làm ví dụ. Khi các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ nhóm họp trong tháng 3/2021, họ đã quyết định cùng nhau đầu tư tài chính và nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ.

Tin tức cho hay Mỹ và Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho New Delhi, còn Australia sẽ phụ trách hỗ trợ các công tác liên quan hậu cần. Chính cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy mục tiêu chiến lược then chốt của kế hoạch này.

Bộ Tứ hy vọng Ấn Độ sẽ trở thành lực lượng đối trọng với chiến dịch ngoại giao vaccine của Trung Quốc vốn đang đem lại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng cho Bắc Kinh, đặc biệt ở châu Á.

Ước tính, Bắc Kinh đã chuyển hơn 60% nguồn cung vaccine toàn cầu của mình cho Đông Nam Á.

Theo nhiều nguồn tin, Lào, Myanmar, Philippines, Campuchia và Brunei đã nhận hơn 2 triệu liều vaccine viện trợ từ Trung Quốc.

Vì vậy, Bộ Tứ kỳ vọng chiến lược ngoại giao vaccine của Ấn Độ sẽ giúp đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Như vậy, việc hào hứng trở lại Bộ Tứ chính là việc Ấn Độ vi phạm triết lý ngoại giao “đứng ngoài đối đầu địa chính trị” cố hữu của mình.

Với triết lý này, New Delhi muốn tránh việc "cặp kè" với các bên đối địch để có thể duy trì khả năng tự chủ chiến lược của mình. New Delhi dường như ý thức được điều này.

Bởi vậy, Ấn Độ đang dần thay đổi, chuyển từ lập trường “không liên kết” sang lập trường mà giới học giả gọi là “liên kết đa phương” bằng cách thiết lập nhiều mối quan hệ đối tác với cả hai phe, đối tác và đối địch.

Cụ thể, Ấn Độ đã bắt đầu cân bằng lại mối quan hệ với nhóm Bộ Tứ bằng cách vươn tới 2 đối thủ chính của nước này là Pakistan và Trung Quốc.

Trong vài tháng gần đây, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc về việc "hạ nhiệt" căng thẳng tại biên giới Himalaya. Ngoài ra, New Delhi còn quay trở lại thỏa thuận ngừng bắn trước đây với Pakistan.

Không chỉ dừng lại ở nỗ lực "hạ nhiệt" căng thẳng, Ấn Độ còn thể hiện sẵn lòng làm nhiều hơn thế: New Delhi nhất trí tổ chức một cuộc diễn tập chung chống khủng bố cùng với thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tổ chức bao gồm cả Trung Quốc và Pakistan.

Có một số yếu tố ngắn hạn khiến lời đề nghị tập trận chung này trở nên khả thi.

Nền kinh tế Pakistan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, buộc chính phủ phải điều chỉnh lại các mục tiêu ưu tiên trước mắt.

Trong khi đó, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa với việc tương lai của Afghanistan trở thành một ưu tiên cấp thiết hơn đối với Pakistan so với mối quan hệ thù địch với Ấn Độ.

Tương tự như vậy với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ ủng hộ bất kỳ nhận thức nào giúp đẩy Ấn Độ ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, khi một cường quốc mới nổi tham gia vào các lực lượng đối địch nhau, niềm tin mà quốc gia này gây dựng luôn bị giới hạn.

Thiết lập mối quan hệ đối tác với các đối thủ địa chính trị dường như là một việc làm tốt, về mặt trực giác. Tuy nhiên, uy tín của quốc gia đó sẽ bị tổn hại trong mắt cả hai phe.

Trong trường hợp khả quan nhất, tầm ảnh hưởng của quốc gia đó không hơn gì kẻ ngoài cuộc.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, quốc gia đó bị cả hai phe xem như một đối tác không đáng tin cậy và đây là một rủi ro ngầm phá hoại quan hệ của quốc gia đó với hai phe. Ấn Độ là một quốc gia quá lớn để có thể đứng giữa “chiếc bập bênh” địa chính trị mà không làm cả hai phe lo lắng.

New Delhi cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của mình và của đối tác. Hợp tác có ý nghĩa và xây dựng niềm tin khó có thể xảy ra nếu không có lợi ích chung.

Mặc dù nhiều yếu tố hiện nay đang tạo điều kiện cho sự tan băng trong những mối quan hệ thù địch, song Ấn Độ vẫn có một số mâu thuẫn căn bản với cả Pakistan và Trung Quốc và những mâu thuẫn này ít có khả năng “che giấu” được lâu dài.

Với Pakistan, Ấn Độ có tranh chấp chủ quyền tại Kashmir cũng như có nhiều bất đồng xung quanh vấn đề khủng bố xuyên biên giới.

Với Trung Quốc, Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng tại Nam Á, chưa kể hai nước có những quan điểm đối nghịch trong nhiều vấn đề (ví dụ, hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc bất đồng về cách thức khôi phục dân chủ tại Myanmar).

Ngược lại, Bộ Tứ lại trao cho Ấn Độ những động lực và phương tiện quan trọng để xây dựng sức mạnh và năng lực quốc gia.

Nỗ lực của Bộ Tứ khi thúc đẩy năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ chính là minh chứng cho thấy Bộ Tứ có thể trở thành một đối tác thiện chí dài hạn giúp giải quyết những thách thức phát triển của New Delhi.

Khi làm như vậy, mong muốn cốt lõi của Bộ Tứ  là nâng tầm Ấn Độ trở thành một đối trọng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ tăng cường tiếp xúc với các khối đối địch như SCO có thể làm hủy hoại sự thiện chí sẵn sàng của Bộ Tứ khi "đầu quân" cho New Delhi.

Ấn Độ có lẽ không thể duy trì được chiến lược liên kết đa phương này trong dài hạn. Việc New Delhi muốn tham gia vào các lực lượng đối địch sẽ làm xói mòn đáng kể nỗ lực của chính nước này khi tìm kiếm đồng minh và đối tác sẵn lòng đầu tư cho sự phát triển của Ấn Độ.

Thay vào đó, New Delhi nên theo đuổi một chiến lược bền vững hơn dựa trên tính toán thấu đáo về những lợi ích dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.