Sáng 19/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, căn cứ tình hình diễn biến sạt lở ngày càng nguy hiểm, phức tạp, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có Quyết định số 1999/QĐ-UBND ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Sông Hậu, đoạn qua địa bàn xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Theo quyết định, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Châu vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang giao Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Gian, tình trạng sạt lở bờ Sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bao và là tuyến Tỉnh lộ 953, đoạn sạt lở cách mép đường 4,0m. Đây là tuyến đê bao bảo vệ sản xuất cho diện tích 3.500ha vùng Bắc kênh Vĩnh An, bảo vệ 3 tuyến dân cư, ấp Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Tường 1 và rất nhiều cư dân sinh sống ven Tỉnh lộ 953.
Từ năm 2016 đến tháng Bảy vừa qua, bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đã xảy ra 6 vụ sạt lở và 1 vụ rạn nứt với tổng chiều dài 1.124m, khiến 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; trong đó mới nhất là vụ sạt lở ngày 22/7 vừa qua, với chiều dài 40m, ăn sâu vào đất liền 10m khiến một hộ dân phải di dời khẩn cấp.
[An Giang: Nóng tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực biên giới]
Theo Báo cáo số 13/BC-STNMT ngày 16/1/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang về kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy, đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu là đoạn sạt lở mạnh liên tục trong nhiều năm liền.
Kết quả quan trắc cho thấy địa hình vách lòng sông khá đứng, độ sâu thay đổi từ thượng nguồn về hạ nguồn, chỉ cách bờ từ 30-50m. Nguyên nhân do sự phát triển bãi bồi phía đuôi cồn Vĩnh Trường (bờ đối diện) làm sông chảy qua khúc cua cong, dòng chảy lệch và áp sát bờ gây xâm thực phía cung bờ lõm xã Châu Phong.
Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, tốc độ xâm thực vào bờ từ 5-10 m/năm, tính riêng từ năm 2012 đến nay, có đoạn sạt lở lấn sâu vào bờ từ 85-100m gây thiệt hại nhiều về đất đai, nhà dân.
Hiện diễn biến sạt lở tại khu vực xã Châu Phong, thị xã Tân Châu còn diễn biến phức tạp do kết cấu bờ yếu, chủ yếu là vật liệu bở rời, vách bờ lại thẳng đứng.
Ngoài ra, khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30 có chiều dài 130m, rộng 70m, dấu hiệu rất nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn đối với đoạn bờ phía xã Châu Phong dài 600m./.