An Giang: Di dời 25 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn

Vào sáng 20/7, trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú đã liên tiếp xảy ra 2 điểm sạt lở bờ sông Hậu và bờ kênh 10 với chiều dài khoảng 300m, ảnh hưởng trực tiếp đến 44 hộ dân.
Khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Chiều 22/7, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn vừa xảy ra 2 điểm sạt lở đất ven bờ sông Hậu và bờ kênh 10 Châu Phú thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) với chiều dài khoảng 300m, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 44 hộ dân.

Trước đó, vào sáng 20/7, trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú đã liên tiếp xảy ra 2 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh.

Cụ thể, điểm sạt lở đất thứ nhất ở bờ sông Hậu tại khu vực Tổ 9, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), với chiều dài khoảng 90m; vị trí sạt lở mới nằm ở khu vực thượng lưu, liền kề đoạn nứt cũ xảy ra ngày 3/7/2020.

Tổng chiều dài đoạn sạt lở khoảng 170m. Vết sạt lở ở dạng hàm ếch ăn sâu vào đất liền khoảng 7m và cách đường Quốc lộ 91 hiện hữu khoảng 80m.

[Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng sạt lở Quốc lộ 91]

Điểm sạt lở đất thứ hai xảy ra ở bờ Bắc kênh 10 Châu Phú - bờ kênh bảo vệ vùng sản xuất lúa hai vụ của huyện Châu Phú (vị trí sạt lở cách Quốc lộ 91 khoảng 1.500m), tại khu vực ấp Thạnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, với chiều dài khoảng 25m, ăn sâu vào đất liền khoảng 4m, sát cổng rào nhà dân, làm ảnh hưởng giao thông qua lại của 6 hộ dân.

Điểm sạt lở mới tiếp giáp đoạn sạt lở năm 2019 (khu vực sạt lở năm 2019 đã được người dân tự gia cố bằng bêtông và đắp đất).

Khu vực sạt lở mới đang có dấu hiệu mở rộng vào phía trong với chiều dài khoảng 40m, làm sụt lún đất, có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới.

Theo ông Khanh, hai khu vực xảy ra sạt lở nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm của Sở Tài nguyên và Môi trường nên không xảy ra thiệt hại về người.

Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở tiếp tục mở rộng là rất cao, phạm vi sạt lở mở rộng, với chiều dài khoảng 300m, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 44 hộ dân và hai xưởng cưa.

Người dân tại khu vực tổ 9, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung phải di dời nhà và tài sản trong vùng sạt lở. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, chiều 22/7, Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú và xã Vĩnh Thạnh Trung đã huy động các lực lượng tổ chức di dời 25 hộ dân đến nơi an toàn.

Mười chín hộ dân còn lại có nhà nằm ở phía thượng nguồn vết rạn nứt, huyện Châu Phú đang tiếp tục phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang khảo sát, khoanh vùng cảnh báo để có hướng di dời người dân kịp thời nếu sạt lở mở rộng.

Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do biên độ thủy triều lên xuống, mái dốc giữa bờ sông và bờ kênh thẳng đứng, nền đất yếu, cộng với mưa lớn kéo dài làm mất ổn định nền đất, gây sạt lở.

Địa phương đã tiến hành kéo dây, lắp biển báo tạm để hướng dẫn, cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm; phối hợp với Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở để chủ động ứng phó, di dời người, tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sạt lở xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục