Ẩn sau các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng ở Israel

Trong những tuần gần đây, số lượng người biểu tình phản đối Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày càng gia tăng ở Israel. Đất nước này đã rơi vào bất ổn nghiêm trọng.

Theo trang mạng dw.de, trong những tuần gần đây, số lượng người biểu tình phản đối Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày càng gia tăng ở Israel. Đất nước này đã rơi vào bất ổn nghiêm trọng. 

Cuối tuần trước, hơn 10.000 người đã tham gia biểu tình ở Jerusalem. Ở các khu vực khác của Israel, hàng nghìn người cũng đồng loạt xuống đường yêu cầu Thủ tướng Netanyahu từ chức. Họ đang tham gia vào chuỗi các cuộc biểu tình rúng động Israel diễn ra hàng tuần trong nhiều tháng qua.

Các cuộc biểu tình ngày càng thu hút nhiều người tham gia hơn - những người tức giận về cách chính phủ Israel đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hậu quả kinh tế của đại dịch.

Nguyên nhân cốt lõi của các cuộc biểu tình: Sự bất mãn chính trị 

Ông Tali Etzion, 59 tuổi, đến từ Tel Aviv, nói rằng: "Mục tiêu của chúng tôi được tóm gọn là: 'Hãy từ chức, Bibi'" (Bibi là biệt danh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu). Ông Etzion đã tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ từ năm 2011. Vào thời điểm đó, hàng trăm nghìn người dân Israel đã xuống đường biểu tình để đòi hỏi sự công bằng về mặt kinh tế và chấm dứt nạn tham nhũng.

"Nói một cách ngắn gọn hơn, tất cả chúng tôi đều tin rằng Netanyahu là người không phù hợp để điều hành đất nước. Điều này hoàn toàn đúng trong những thời điểm được cho là bình thường và thậm chí còn đúng hơn trong thời điểm này," Etzion nói khi đề cập đến cách Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

[Israel: Biểu tình phản đối cách ứng phó COVID-19 của chính phủ]

Nghệ sỹ piano Ofer Shelly, 50 tuổi, nhà sản xuất các chương trình hòa nhạc đến từ Jerusalem, cho biết: “Thật không thể chịu đựng nổi khoảng cách giữa những người dân- những người bị thiệt hại rất nặng nề trong đại dịch - và những người tự xưng là lãnh đạo đất nước đang ngày càng trở nên giàu có do tham nhũng."

Cuộc sống của ông với tư cách là một nghệ sĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cái mà ông gọi là "sự tách biệt hoàn toàn của chính quyền khỏi nhân dân." Shelly phàn nàn: "Không ai trong số các nhà lãnh đạo của chúng tôi đứng lên và nói: 'Tôi đã thấy sự đau khổ của các bạn, tôi buồn phiền vì điều đó'. Họ thậm chí còn không quan tâm đến việc nói chuyện với những người biểu tình. Không một lần nào".

Ngay cả cử tri của đảng Likud cũng tức giận

Cả Netanyahu và các bộ trưởng trong đảng Likud cánh hữu của ông đều coi các cuộc biểu tình là "của phe cánh tả" và coi người biểu tình là "những kẻ vô chính phủ." Một bộ phận người dân chia sẻ quan điểm này, nhưng cũng có rất nhiều người phản đối, trong đó, tất nhiên bao gồm những người biểu tình.

Nữ luật sư 57 tuổi Efrat Safran đến từ thành phố Ramat Hasahron nói: “Netanyahu phủ nhận bản chất của các cuộc biểu tình, tầm vóc của chúng và thậm chí cả sự đồng lòng của những người tham gia."

Bà cho biết bà đã đi biểu tình trong thời gian dài. "Không một tổ chức hay một cá nhân riêng lẻ nào có thể tổ chức tất cả những cuộc biểu tình này," Safran nói. Theo bà, các cuộc biểu tình phát triển một cách hữu cơ. Người tham gia đến từ khắp mọi nơi với nhiều quan điểm chính trị khác nhau, kể cả những cử tri ủng hộ Netanyahu nhưng đã "vỡ mộng" với cách thức điều hành đất nước của ông. 

Trong một video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, Arnon Grossman, cử tri ủng hộ đảng Likud, đã giải thích lý do tại sao ông tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nhiều người khác- những người cũng ủng hộ đảng Likud- cầm những tấm biểu ngữ phản đối với dòng chữ "Bibi, cử tri Likud cũng chống lại chế độ độc tài."

Grossman nói rằng mình đã bỏ phiếu cho Likud trong nhiều năm qua, nhưng giờ sẽ không làm điều đó nữa "chừng nào Netanyahu vẫn là lãnh đạo đảng."

Ẩn sau các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng ở Israel ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp ở Jerusalem ngày 17/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Grossman cho biết ông mong đợi một nhà lãnh đạo thể hiện lòng trắc ẩn với người dân trong những thời điểm khó khăn như thế này. "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy có lỗi. Chỉ vì những người như tôi mà Netanyahu mới có thể ngồi ở vị trí đó."

Những biểu ngữ và những tấm áp phích xuất hiện dày đặc trong các cuộc biểu tình, nhất là trên con phố Balfour ở Jerusalem- nơi đặt dinh Thủ tướng Israel, cho thấy rằng sự không hài lòng với chính quyền Netanyahu đang ngày càng lan rộng.

Nói về động cơ của những người biểu tình, luật sư Safran cho biết: "Đối với một số người, nguyên nhân biểu tình là do tình hình kinh tế tồi tệ; đối với những người khác, có thể  là do nền dân chủ mục ruỗng hoặc những vụ bê bối tham nhũng nhiều bất tận". Theo bà, các nguyên nhân có thể khác nhau nhưng "thông điệp thì giống nhau và rất rõ ràng: hãy về nhà đi, Bibi."

Những người trẻ tuổi đang ở đâu?

Qua nhiều năm, những người biểu tình không hiểu tại sao thế hệ trẻ lại không tham gia cùng với họ. Nữ luật sư Safran nói: "Chúng tôi đã xây nhà, tạo dựng sự nghiệp, nhưng còn chúng thì sao? Đó là tương lai của chúng mà." Các con của bà hiện đã hơn 20 tuổi. "Chúng được sinh ra trong thời kỳ Bibi đang lãnh đạo đất nước. Chúng không biết gì khác ngoài thực tại và không tin rằng mọi thứ có thể khác đi."

Nhưng ba cuộc bầu cử đã diễn ra trong vòng một năm; các vụ bê bối tham nhũng ngày càng trầm trọng, trong đó Netanyahu đã nhiều lần bị cáo buộc có liên quan; tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng trong màn đêm của đại dịch và ngay cả một cựu tướng quân đội- người đứng về phía những người biểu tình, cũng đã bị bắt giữ.

Tất cả những điều này dường như đang đưa những người Israel trẻ tuổi thoát khỏi sự thờ ơ trước hiện tình đất nước. Một trong số đó là Amir Gertmann- sinh viên 22 tuổi đến từ Jerusalem, người thường xuyên đi biểu tình trên phố Balfour.

“Thực sự thì tôi không mấy hy vọng vào những cuộc biểu tình thế này,” Gertmann nói. Anh không tin rằng Netanyahu sẽ từ chức hoặc các đối tác liên minh của ông sẽ xa lánh ông. “Tuy vậy, điều quan trọng với tôi vẫn là phải xuống đường. Lý do trước hết là vì tôi không thể chấp nhận việc chính quyền mạnh tay đàn áp một cuộc biểu tình hợp pháp, diễn ra chỉ cách nhà tôi năm phút đi bộ."

Chỉ một bước nữa là đến chế độ độc tài 

Nhiều thanh niên Israel như Gertmann có rất ít cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Với người đàn ông 36 tuổi Shy Engelberg- người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao - thì không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ hiện đang dẫn đầu các cuộc biểu tình.

Engelberg nói: “Netanyahu chỉ gây hại cho Israel. Ông ta đã nói dối, gieo rắc hận thù, sử dụng những phương pháp hèn hạ mà ông ta đã học từ những người như Trump, Putin và Erdogan."

Engelberg khẳng định: "Tôi không muốn con mình lớn lên ở một đất nước mà số phiếu bầu của chúng không được tính đến. Mọi người dân đều có thể cảm nhận được rằng nền dân chủ ở Israel đang trôi tuột qua những ngón tay của họ."

Mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình nhưng đôi khi chúng kết thúc bằng các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Bên cạnh đó cũng có nhiều vụ việc, trong đó các nhóm cực đoan cánh hữu và những người ủng hộ Netanyahu tấn công vào người biểu tình ôn hòa.

Gần đây, trong một cuộc họp nội các, Netanyahu đã cáo buộc giới truyền thông "châm ngòi" cho các cuộc biểu tình và xuyên tạc các vụ bạo lực. “Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lại ủng hộ mạnh mẽ và lệch lạc cho các cuộc biểu tình đến như vậy - ý tôi là theo kiểu Liên Xô trước đây, nhưng nó đã tới mức độ như sự tuyên truyền của Triều Tiên,” Netanyahu phát biểu. 

Ông Etzion tin rằng sự nghiệp chính trị của Netanyahu đang bị đe dọa. "Nếu ông ta muốn biến Israel trở thành một chế độ độc tài để phục vụ sự nghiệp của mình, hãy cứ hành động như vậy," ông nói.

Còn theo luật sư Safran, tất cả những điều này đã đưa đất nước đến một thời điểm quan trọng. "Ở đây không thể nói về cánh tả hay cánh hữu nếu lần đầu tiên sau 72 năm chúng ta không còn là một nền dân chủ nữa. Sự hòa giải sẽ không thể bắt đầu nếu ông ta không từ chức. Và mối nguy hiểm đối với nền dân chủ vẫn sẽ còn đó. Chẳng bao lâu sẽ không còn đất nước này nữa"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.