An toàn thông tin: Chìa khóa của tăng trưởng

An toàn thông tin: Chìa khóa của tăng trưởng, phát triển

An toàn thông tin chính là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp, trong khi đó, Việt Nam lại đang được xem là một địa chỉ nguy hiểm về an ninh mạng.

Với chủ đề “Gắn kết chiến lược An toàn thông tin với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển,” Hội thảo- Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2014 (Security World 2014) đã được khai mạc chiều nay, 18/3.

Sự kiện này do các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức, tới nay đã được 8 năm liên tiếp.

[Việt Nam: Địa chỉ nguy hiểm về an ninh mạng]

Theo các chuyên gia công nghệ, an toàn thông tin chính là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp, quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn bảo mật ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ báo động khi được xem là một địa chỉ nguy hiểm về an ninh mạng. Mới đây, báo cáo nghiên cứu về các mối đe dọa trên di động năm 2013 của hãng bảo mật Kaspersky Lab cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 về lượng người dùng bị tấn công nhiều nhất trên thế giới. Còn Bkav thì trích dẫn khảo sát cho thấy có tới 40% website tồn tại lỗ hổng bảo mật…

Mặc dù bảo mật trong các doanh nghiệp hiện tại đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng sự cố về mất an ninh thông tin vẫn có chiều hướng gia tăng và đi cùng với nó là các hệ lụy từ việc cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bị đột nhập.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ và đối tác của Cisco Việt Nam  nhận định, bất kỳ thiết nào có kết nối thì cần phải nghĩ ngay tới câu chuyện bảo mật. Mới đây, hệ thống TV, tủ lạnh có kết nối cũng đã bị tội phạm mạng nhòm ngó.

Một khảo sát của Cisco cũng chỉ ra rằng, có một số lượng lớn người sử dụng thiết bị di động bỏ qua các biện pháp an ninh để việc sử dụng thiết bị được cơ động. Bên cạnh đó, nguy cơ an ninh mạng đang gia tăng với một tốc độ chóng mặt.

[Việt Nam xếp thứ 3 về số người dùng di động bị mã độc tấn công]

Theo ông Sơn, trước kia hacker tấn công mục tiêu thường để lại dấu vết với mong muốn người khác phát hiện ra, thậm chí còn lấy tên rất “kêu.” Song ngày nay, tội phạm mạng cố gắng ẩn nấp và thâm nhập sâu hơn trong các hệ thống để tìm cách phá hoại, ăn cắp dữ liệu… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp, tổ chức.

Với những phương thức tấn công mới của hacker, các chuyên gia cho rằng, tổ chức, doanh nghiệp cần phải gắn kết an toàn thông tin với mục tiêu tăng trưởng. Để an toàn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có một hệ thống bảo mật đủ mạnh.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) và an ninh thông tin (CSO) của doanh nghiệp thời gian tới phải củng cố năng lực bảo mật an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ mới bảo đảm an toàn, bảo mật, giảm thiểu các hạ tầng an ninh phức tạp và thúc đẩy tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục