Anh áp dụng quy định người đến từ nước ngoài phải tự cách ly

Từ ngày 8/6, những người từ nước ngoài đến Anh, bao gồm cả công dân Anh về nước, sẽ phải thực hiện tự cách ly 14 ngày, đồng thời cung cấp chi tiết về nơi sẽ lưu trú.
Hành khách di chuyển bằng tàu điện ngầm của hãng Tfl ở London, Anh ngày 14/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hành khách di chuyển bằng tàu điện ngầm của hãng Tfl ở London, Anh ngày 14/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps của Anh cho biết từ ngày 8/6 tới áp dụng quy định những người từ nước ngoài đến Anh phải tự cách ly, nhấn mạnh đây là biện pháp thiết yếu để ngăn chặn bùng phát dịch COVID-19 đợt 2.

Theo tờ Telegraph, hai bộ trưởng nêu rõ, từ ngày 8/6, những người từ nước ngoài đến Anh, bao gồm cả công dân Anh về nước, sẽ phải thực hiện tự cách ly 14 ngày, đồng thời cung cấp chi tiết về nơi sẽ lưu trú.

Hành khách cũng cần cung cấp lịch trình di chuyển chi tiết và thông tin liên lạc. Nhà chức trách sẽ thực hiện kiểm tra tại chỗ và phạt nếu hành khách vi phạm.

Hai bộ trưởng trên cho rằng việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay kiểm tra thân nhiệt nhanh đều không hiệu quả vì nhiều người nhiễm không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh nào, do đó việc người từ nước ngoài đến Anh tự cách ly và tuân thủ những biện pháp đang thực hiện trong nước là rất quan trọng để tiếp tục ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

[Anh bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh]

Trong khi đó, Latvia ngày 2/6 cho biết nước này sẽ dỡ bỏ quy định tự cách ly đối với những người đến từ hơn 20 quốc gia châu Âu. Quyết định được đưa ra sau khi hai quốc gia láng giềng Estonia và Litva có động thái tương tự.

Theo Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins, từ ngày 3/6 không còn áp dụng quy định bắt buộc tự cách ly 2 tuần đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh thấp, tuy nhiên tiếp tục áp dụng với những nước có tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn cao, trong đó có Thụy Điển và Anh.

Biên giới của Latvia với hai quốc gia láng giềng Nga và Belarus sẽ vẫn đóng cửa đối với du khách, nhưng hàng hóa được phép lưu thông.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Latvia gần như đã được kiểm soát, giới chức nước này dự kiến từ ngày 9/6 tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp khẩn cấp được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Estonia, Latvia và Litva đã mở cửa trở lại các đường biên giới chung giữa ba nước từ ngày 15/5, trở thành những quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép công dân tự do qua lại sau 2 tháng phong tỏa. Latvia hiện đã ghi nhận 1.071 ca nhiễm bệnh bao gồm 24 ca tử vong do COVID-19.

Tại Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan ngày 2/6 cảnh báo nước này có thể phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ mới nếu người dân không tuân thủ những quy định về vệ sinh, sau khi số ca mắc COVID-19 đã tăng lên hơn 10.000 người.

Thủ tướng Pashinyan cùng với các thành viên gia đình ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 1/6 vừa qua.

Thông qua một video trực tuyến trên Facebook, ông Pashinyan nhấn mạnh người dân có 2 lựa chọn - không tuân thủ những quy định phòng dịch thì sẽ phải thực hiện những biện pháp hạn chế mới đi kèm lệnh giới nghiêm, điều có thể khiến đất nước phải chịu những cú sốc kinh tế và xã hội mới, hoặc mọi người hợp tác để kiểm soát tình hình và đạt được những kết quả nhanh chóng. Thủ tướng Pashinyan khẳng định: "Chúng ta có 1-3 ngày để thay đổi tình hình."

Armenia đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, từ ngày 14/5, sau khi số ca nhiễm mới  virus SARS-CoV-2 theo ngày bắt đầu tăng vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, các trường tiểu học, trung tâm mua sắm và phòng tập gym được phép mở cửa trở lại và hoạt động giao thông công cộng được nối lại, với quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Chính phủ cũng mở cửa nhiều lĩnh vực kinh tế vào đầu tháng 5 nhằm cho phép người dân trở lại làm việc khi gặp khó khăn về tài chính.

Armenia ngày 2/6 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 517 người, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 10.009 trường hợp, mức cao nhất tại khu vực Nam Caucasus. Số ca tử vong cũng tăng lên 158 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.