Anh cân nhắc duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP đến 2027

Bộ trưởng Tài chính Anh có ý định duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP nhưng cũng sẽ cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Vương quốc Anh lên mức mục tiêu 3% GDP vào năm 2030.
Anh cân nhắc duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP đến 2027 ảnh 1Binh sỹ quân đội Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật báo The Times ngày 22/10 đưa tin Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đang cân nhắc khả năng giữ nguyên chi tiêu quốc phòng của nước này trong 5 năm nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách ước khoảng 40 tỷ bảng (45 tỷ USD).

Theo The Times, Bộ trưởng Hunt có ý định duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho đến tài khóa 2026-2027, tuy nhiên, ông cũng sẽ cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Vương quốc Anh lên mức mục tiêu 3% GDP vào năm 2030.

Quyết định nâng ngân sách quốc phòng lên mức 3% GDP có thể sẽ khiến Chính phủ Anh phải chi thêm 157 tỷ bảng trong vòng 8 năm tới.

Trong tuần qua, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey tuyên bố chính phủ không có kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng và vẫn giữ ý định nâng khoản ngân sách này lên mức 3% GDP vào năm 2030, như cam kết của Thủ tướng vừa tuyên bố từ chức Liz Truss.

Còn theo kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace có thể sẽ từ chức nếu tân Bộ trưởng Tài chính Hunt quyết định giảm chi tiêu quốc phòng.

[Chính phủ Anh khẳng định không cắt giảm chi tiêu, tiếp tục giảm thuế]

Trước đó, Chính phủ Anh hồi cuối tháng 6 ra tuyên bố cho biết chi tiêu quốc phòng của nước này dự kiến đạt mức 2,3% GDP trong năm nay vì phải tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ước tính trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Wallace kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng của Anh lên mức 2,5 GDP vào năm 2028. Mục tiêu này sẽ vượt ước tính của NATO là chi 2,12% GDP cho quốc phòng trong năm 2022, cũng như cao hơn mức ước tính 2,26% trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.