Anh chi 9 triệu USD mua máy bay nhằm tăng khả năng quân sự hậu Brexit

Anh công bố kế hoạch mua máy bay không người lái hỗ trợ lực lượng không quân làm nhiệm vụ bảo vệ không phận, một phần trong kế hoạch tăng khả năng quân sự sau khi London rời khỏi EU.
Anh chi 9 triệu USD mua máy bay nhằm tăng khả năng quân sự hậu Brexit ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson. (Nguồn: Getty)

Anh ngày 11/2 công bố kế hoạch mua máy bay không người lái hỗ trợ lực lượng không quân nước này làm nhiệm vụ bảo vệ không phận - một phần trong hàng loạt kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm tăng cường khả năng quân sự của nước này sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại London, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố việc rời khỏi EU sẽ là cơ hội để nước Anh củng cố sự hiện diện toàn cầu của mình. Ông thông báo kế hoạch đầu tư 7 triệu bảng Anh (9 triệu USD) mua máy bay không người lái nhằm củng cố sức mạnh của lực lượng phòng không nước này với mục đích phòng vệ. Theo ông, kế hoạch này sẵn sàng triển khai từ cuối năm 2019.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh cho biết London sẽ chi 65 triệu bảng Anh cho các hoạt động an ninh mạng và đưa vào sử dụng hai tàu hải quân mới.

Tuy nhiên, các đảng đối lập ở Anh đã chỉ trích kế hoạch trên, cho rằng những thiệt hại kinh tế do Brexit có thể làm suy yếu lực lượng quốc phòng Anh.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May cũng bác bỏ đề xuất của ông Williamson triển khai tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth tại vùng biển Thái Bình Dương.

Người phát ngôn của bà May khẳng định mọi kế hoạch chi tiết về việc triển khai tàu này sẽ được Thủ tướng May thông qua theo lộ trình.

Người phát ngôn này cho biết tàu HMS Queen Elizabeth sẽ nhổ neo sớm nhất vào năm 2021 và sứ mệnh hoạt động đầu tiên của con tàu này sẽ diễn ra tại vùng biển Địa Trung Hải, Trung Đông và khu vực Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.