Chính phủ Anh sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo các nước, các đại diện các công ty công nghệ, các học giả và các thành phần khác tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về AI trong hai ngày.
Đây được xem là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Hội nghị với sự tham dự của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, sẽ thảo luận về những lo ngại gia tăng do tác động của AI.
AI đã gây lo ngại về nhiều vấn đề, từ tình trạng mất việc làm và tấn công mạng đến việc con người mất kiểm soát đối với các hệ thống đã tạo ra.
Ông Sunak và các nhà lãnh đạo khác ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc tranh luận liệu những hiểu biết và các quy định hiện nay đối với AI đã đủ để đối phó với những thách thức mà công nghệ này đặt ra hay không.
Nhà lãnh đạo Anh cho rằng sứ mệnh và mục tiêu cuối cùng của các nhà lãnh đạo là hướng tới các tiếp cận mang tính quốc tế trong việc hợp tác với các đối tác để đảm bảo các hệ thống AI an toàn trước khi được công bố.
Ông nói thêm các đại diện sẽ tích cực nhằm đưa ra tuyên bố đầu tiên của toàn cầu về bản chất của các rủi ro, đề xuất việc thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế tương tự một ủy ban về biến đổi khí hậu.
Anh khẳng định sẽ đảm nhiệm vai trò đi đầu về AI như mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi hai nước này có một số công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Tổng thống Mỹ cùng ngày sẽ công bố hành động mạnh mẽ nhằm quản lý việc sử dụng AI, trong nỗ lực giảm bớt rủi ro liên quan đến công nghệ mới nổi này.
Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ ký sắc lệnh hành pháp, đặt ra các tiêu chuẩn an toàn về các hệ thống AI và yêu cầu các nhà phát triển chia sẻ các kết quả kiểm nghiệm an toàn với chính phủ.
[Anh xúc tiến thành lập Viện An toàn AI đầu tiên trên thế giới]
Sắc lệnh trên cũng sẽ nhằm ngăn chặn rủi ro AI được sử dụng để phát triển các vật liệu sinh học nguy hiểm và để lừa gạt khách hàng.
Nhà Trắng cho rằng sắc lệnh trên cho thấy hành động mạnh mẽ nhất để bảo vệ người Mỹ trước những rủi ro tiềm ẩn từ các hệ thống AI.
Trong khi đó, ngày 30/10, các quan chức Nhóm các nước Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí về các nguyên tắc hướng dẫn và một bộ quy tắc ứng xử cho những nhà phát triển các dạng AI tiên tiến, trong nỗ lực của G7 nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan như thông tin sai lệch và những lo ngại về quyền riêng tư.
Các thành viên G7 từ nhiều tháng qua đã thảo luận về sự cần thiết áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để kiểm soát các mô hình công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT do OpenAI phát triển.
Bộ Quy tắc Ứng xử nói trên được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển AI an toàn và đáng tin cậy. Bộ quy tắc gồm 11 điểm này cung cấp hướng dẫn quản lý công nghệ AI, bao gồm những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo sinh.
Ngoài ra, bộ quy tắc trên kêu gọi các công ty thực hiện các biện pháp thích hợp để xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro trong vòng đời của các mô hình AI, từ khi lên ý tưởng cho đến khi bị đào thải trên thị trường./.