Thủ tướng Anh Theresa May ngày 2/10 khẳng định toàn bộ nội các Anh vẫn đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của bà nhằm thu hút lại sự ủng hộ của giới trẻ Anh đổi với đảng Bảo thủ.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Anh đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Đại hội thường niên hàng năm của đảng Bảo thủ cầm quyền diễn ra từ ngày 1-4/10 tại thành phố Manchester.
Chính sách nhằm lôi kéo sự ủng hộ của giới trẻ Anh bao gồm việc giữ nguyên mức học phí đại học trung bình hiện nay là 9.250 bảng/năm (12.000 USD/năm), và tăng mức thu nhập hàng năm của sinh viên khi bắt đầu phải trả nợ cho tiền học cho chính phủ là 25.000 bảng/năm (33.000 USD).
Bà May cũng chủ trương sẽ cấp thêm 10 tỷ bảng Anh (hơn 13 tỷ USD) vào quỹ hỗ trợ cho người vay tiền mua nhà lần đầu, nhắm vào những người trẻ mua nhà.
Trong khi Thủ tướng May nỗ lực trình bày chủ trương chính sách "thân thiện với giới trẻ" của đảng Bảo thủ, thì vấn đề đấu tranh trong nội bộ đảng lại lấn át chương trình nghị sự ngay từ ngày đầu tiên của đại hội.
Các tờ báo lớn có uy tín tại Anh cho biết chủ trương hỗ trợ nhà cửa cho những người mua nhà lần đầu và không tăng học phí đại học của bà May đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng bà May đã không có ý kiến dứt khoát rõ ràng đối với những vấn đề mâu thuẫn về đường lối chính sách trong nội bộ đảng.
[Nội các Anh ủng hộ cách thức đàm phán Brexit của chính phủ]
Một số thành viên đảng Bảo thủ tỏ ra bực tức trước những phát biểu trước đó trên tờ The Sun của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về "ranh giới đỏ" cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vì cho rằng ông Johnson đã đi quá quyền hạn của mình. Tuy nhiên, khi báo chí chất vấn bà May về ý kiến của bà đối với phát biểu của ông Johnson, Thủ tướng Anh đã không đi thẳng vào vấn đề.
Tổng giám đốc của Phòng Thương Mại Công Nghiệp Anh Adam Marshall đã lên tiếng chỉ trích khi nói rằng giới doanh nghiệp Anh đã trở nên " mất kiên nhẫn với sự chia rẽ và tình trạng lộn xộn" của đảng Bảo thủ.
Trong khi đó, bài phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 2/10 đẩy mạnh thị trường tự do được cho là hoàn toàn trái ngược với quan điểm của người đứng đầu Công đảng đối lập lớn nhất Jeremy Corbyn là chủ trương quốc hữu hóa và can thiệp của nhà nước vào một số lĩnh vực dịch vụ. Ông Hammond cho rằng thị trường tự do sẽ giúp người dân và giới kinh doanh thúc đẩy sự sáng tạo, can đảm đối mặt với những thách thức rủi ro và đưa ra được những ý tưởng mới.
Kết quả thăm dò của tổ chức nghiên cứu độc lập Legatum Institute công bố ngày 29/9 cho thấy công chúng Anh ủng hộ theo hướng xã hội chủ nghĩa hơn là tư bản chủ nghĩa. Cụ thể, 83% số người được hỏi ủng hộ việc quốc hữu hóa các công ty nước, 77% muốn nhà nước tái sở hữu các công ty điện và 76% muốn nhà nước quản lý hệ thống tàu hỏa và khoảng 50% số người được hỏi ủng hộ quốc hữu hóa các ngân hàng./.