Anh: Hàng chục nghìn người tuần hành đòi tổ chức trưng cầu dân ý mới

Những người tham gia đã tập trung ở đường Park Lane tại thủ đô London, vẫy cờ EU, cầm các biểu ngữ kêu gọi ngừng tiến trình Brexit và tuần hành qua trung tâm thủ đô tới tòa nhà quốc hội.
Anh: Hàng chục nghìn người tuần hành đòi tổ chức trưng cầu dân ý mới ảnh 1Quang cảnh cuộc biểu tình. (Nguồn: bbc.com)

Ngày 19/10, hàng chục nghìn người dân Anh đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô London đòi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), trong bối cảnh các nghị sỹ Quốc hội nước này đang tiến hành thảo luận về thỏa thuận Brexit mới đạt được ngày 17/10 vừa qua.

Những người tham gia đã tập trung ở đường Park Lane tại thủ đô London, vẫy cờ EU, cầm các biểu ngữ kêu gọi ngừng tiến trình Brexit và tuần hành qua trung tâm thủ đô tới tòa nhà quốc hội.

Người đứng đầu chiến dịch mang tên "Cuộc bỏ phiếu của người dân" James McGrory đồng thời là nhà tổ chức cuộc tuần hành này, cho rằng chính phủ cần phải chú ý đến sự giận dữ của những người ủng hộ châu Âu và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nữa về vấn đề này. Ông khẳng định người dân xứng đáng có một cơ hội nữa để nói lên tiếng nói của mình.

[Những tín hiệu tích cực tại Anh về thỏa thuận Brexit mới]

Sau hơn ba năm tranh cãi căng thẳng về Brexit kể từ cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này tại Anh hồi tháng 3/2016, hiện vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn ra theo cách thức nào và khi nào, hoặc thậm chí có diễn ra hay không, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng để quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit mới đạt được với EU nhằm mở ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại nước này trong nhiều năm qua.

Quốc hội Anh đang tiến hành phiên họp thảo luận về thỏa thuận Brexit mới được Thủ tướng Johnson và các lãnh đạo EU nhất trí ngày 17/10 vừa qua.

Sau cuộc thảo luận, các nghị sỹ quốc hội sẽ bỏ phiếu để quyết định số phận của thỏa thuận Brexit mới này, có thể dẫn tới việc Anh rời khỏi khối này vào ngày 31/10. Đây là lần đầu tiên trong 37 năm qua Quốc hội Anh triệu tập họp vào ngày thứ Bảy.

Thỏa thuận mới nói trên đã giải quyết được điểm bế tắc chính trị trong thỏa thuận Brexit trước đó, cụ thể là vấn đề biên giới Ireland. Theo đó, Anh đã chấp nhận những kiểm tra hải quan tại khu vực biển Ireland nhằm tránh xảy ra đường biên giới "cứng" cũng như đảm bảo "sự toàn vẹn lãnh thổ của thị trường đơn lẻ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.