Anh: Hệ thống tàu điện ngầm London đối mặt nguy cơ tê liệt vì đình công

Hiệp hội kỹ sư đầu máy và lính cứu hỏa sẽ tổ chức đình công vào hai ngày 7 và 12/11, trong khi Nghiệp đoàn Công nhân Đường sắt, Hàng Hải và Vận tải tổ chức một loạt cuộc đình công từ ngày 1-8/11.

(Ảnh: EPA)
(Ảnh: EPA)

Theo phóng viên TTXVN tại London, hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô của nước Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng gián đoạn trong tháng tới sau khi 2 công đoàn giao thông tuyên bố tổ chức cho công nhân đình công vì tranh chấp tiền lương.

Hiệp hội kỹ sư đầu máy và lính cứu hỏa (ASLEF) hôm 16/10 xác nhận đội ngũ nhân viên lái tàu sẽ đình công vào 2 ngày 7/11 và ngày 12/11, trong khi Nghiệp đoàn Công nhân Đường sắt, Hàng Hải và Vận tải (RMT) tổ chức một loạt cuộc đình công của các nhân viên khác từ ngày 1-8/11.

Đây sẽ là những hoạt động đình công đầu tiên của đội ngũ nhân viên lái tàu kể từ tháng 3/2022.

Những cuộc đình công như vậy thường khiến hầu hết mạng lưới tàu điện ngầm London - nơi chuyên chở khoảng 4 triệu hành khách trong những ngày làm việc bận rộn nhất - bị tê liệt.

Ông Finn Brennan, nhà hoạt động toàn thời gian của ASLEF tại London Underground (hệ thống tàu điện ngầm), cho biết các thành viên đã từ chối lời đề nghị tăng lương 3,8% vào năm 2024, cộng với khoản thanh toán “tổng số tiền thay đổi” do Cơ quan quản lý Giao thông Vận tải London (TfL) - đơn vị quản lý hệ thống giao thông công cộng của thủ đô London - đưa ra.

Theo ông, lời đề nghị này có nghĩa là các nhân viên lái tàu điện ngầm ở London sẽ “tiếp tục nhận mức lương thấp hơn so với tài xế trên các dịch vụ TfL khác trong khi phải làm việc nhiều giờ hơn.”

Số liệu được TfL công bố năm 2023 cho thấy nhân viên lái tàu điện ngầm ở London kiếm được khoảng 64.000 đến 67.000 bảng Anh/năm, nhưng nhiều người có thu nhập cao hơn vì được trả tiền làm thêm giờ.

Một vụ tranh chấp riêng về tiền lương và điều kiện làm việc giữa Aslef và các đơn vị điều hành tàu trên mạng lưới đường sắt quốc gia của Anh đã kéo dài trong 2 năm, gây ra tình trạng gián đoạn kéo dài cho hành khách.

Tuy nhiên, những cuộc đình công ở London có thể bị hủy bỏ nếu TfL đạt được thỏa thuận vào phút chót vào với công đoàn.

Cuộc đình công theo kế hoạch của RMT từ ngày 1-8/11 sẽ thu hút các nhân viên làm việc ở những vị trí việc làm khác nhau, và họ sẽ đình công vào những ngày khác nhau.

Cuộc đình công này cũng có khả năng gây ra gián đoạn, nhưng TfL thường xoay xở để vận hành một số dịch vụ trong thời gian RMT ngừng hoạt động, liên quan đến những người lao động không phải là nhân viên lái tàu, chẳng hạn như kỹ sư và nhân viên nhà ga.

Tình trạng gián đoạn tồi tệ nhất có thể xảy ra trong 2 ngày 3 và 4/11, khi nhân viên trung tâm điều khiển đình công, và từ ngày 6-8/11 khi nhân viên tín hiệu đình công.

Ông Mick Lynch, Tổng Thư ký RMT, tuyên bố các thành viên của nghiệp đoàn “không còn lựa chọn nào khác” ngoài đình công vì mức lương mà TfL đề nghị “thấp hơn mức họ xứng đáng được hưởng.”

Bà Kate Nicholls - Giám đốc điều hành của tổ chức thương mại UKHospitality - cảnh báo những cuộc đình công theo kế hoạch của ASLEF và RMT sẽ “gây ra tác động đáng kể đến các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ khách sạn ở London.”

Trong khi đó, TfL bày tỏ “thất vọng” với những cuộc đình công nêu trên và cho rằng khi tính đến các khoản thanh toán bằng tiền mặt, mức lương đề nghị cho cả hai nghiệp đoàn đều tăng trung bình 4,6%.

Cơ quan này khẳng định đang hợp tác với ASLEF và RMT một cách thiện chí, đồng thời tăng mức lương đề nghị kể từ khi tiến trình đàm phán bắt đầu và mời các nghiệp đoàn họp lại vào tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.