Anh khẳng định sẽ không trở thành "quốc gia lệ thuộc" của EU

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh cho biết "Anh sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản để họ kiểm soát luật pháp của riêng chúng tôi. Chúng tôi sẽ không trở thành một quốc gia lệ thuộc."
Anh khẳng định sẽ không trở thành "quốc gia lệ thuộc" của EU ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost (trái) và người đồng cấp EU Michel Barnier tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 21/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không có thỏa thuận vẫn đang hiện hữu.

Ngày 6/9, phát biểu trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ tám và cũng là vòng đàm phán cuối cùng với EU dự kiến diễn ra vào tuần tới, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, David Frost tuyên bố Anh sẽ không trở thành một "quốc gia lệ thuộc" theo bất kỳ điều khoản nào của một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký với Liên minh châu Âu (EU).

Ông Frost nói: "Anh sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản để họ kiểm soát luật pháp của riêng chúng tôi. Chúng tôi sẽ không trở thành một quốc gia lệ thuộc. Chúng tôi sẽ không chấp nhận các điều khoản cho phép họ kiểm soát nguồn tài chính hay cách mà chúng tôi có thể tổ chức mọi việc ở đây, trên chính nước Anh và điều đó là không phải tranh cãi."

Ông Frost khẳng định: "Đó là những gì để trở thành một quốc gia độc lập, là những gì mà người dân Anh đã bỏ phiếu và là những gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay."

Anh chính thức rời EU từ tháng 1/2020, gần bốn năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này hội nhập châu Âu. Cuộc đàm phán trong tuần tới nhằm hướng tới ký kết một thỏa thuận đối tác mới giữa hai bên từ năm 2021 trong một loạt lĩnh vực từ thương mại và an ninh đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân, vận tải và hàng không.

Giới chức châu Âu cho biết cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là chỉ còn chưa đầy hai tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh-EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập, theo đó các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.

[Thủ tướng Anh nhận định về triển vọng đàm phán hậu Brexit với EU]

Tuy nhiên, ông Frost khẳng định Thủ tướng Anh Borris Johnson và các bộ trưởng trong nội các không lo ngại về một kịch bản không thỏa thuận. Ông nói: "Nếu chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận mà điều phối thương mại giống Canada, điều đó là tuyệt vời. Song, nếu chúng tôi không thể có được một thỏa thuận như vậy, chúng tôi sẽ áp dụng một thỏa thuận thương mại giống như Australia, và chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản đó."

Trong khi đó, ngày 5/9, Chính phủ Anh cho biết EU đang yêu cầu đưa ra lựa chọn phủ quyết các đạo luật và quy định hậu Brexit của London.

Trưởng đoàn đàm phán chính của EU, ông Michel Barnier được cho là đang cương quyết yêu cầu London phải chấp nhận không thực hiện bất cứ thay đổi nào đối với luật pháp của Anh, vốn có thể làm sai lệch thỏa thuận thương mại với EU mà trước tiên không tham vấn Brussels. Tuy nhiên, người đồng cấp Anh David Frost của ông Barnier đã bác bỏ cách tiếp cận này.

Trước đó, các nhà ngoại giao EU cho biết ông Barnier đã đến London hôm 1/9 để trao đổi với người đồng cấp Frost rằng Anh phải tiếp tục các kế hoạch trợ cấp quốc gia, hoặc sẽ không có một thỏa thuận Brexit.

Khả năng nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận thương mại đã tăng mạnh khi những cuộc đàm phán bị đe dọa bởi sự cương quyết của London khi cho rằng Anh hoàn toàn tự quyết đối với các kế hoạch trợ cấp quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.