Anh: Làn sóng đình công tiếp tục kéo dài cùng cơn “bão giá”

Mạng lưới đường sắt của Anh có khả năng gián đoạn hơn nữa khi hàng chục nghìn nhân viên được dự đoán sẽ đình công trong những ngày tới, sau khi chứng kiến cuộc đình công lớn nhất 30 năm qua.
Anh: Làn sóng đình công tiếp tục kéo dài cùng cơn “bão giá” ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại nhà ga King's Cross ở London, Anh trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công của công nhân đường sắt, ngày 27/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người lao động Anh đang tiến hành các cuộc đình công lớn, trong bối cảnh lạm phát ở mức cao nhất hàng chục năm qua đang “ăn mòn” giá trị tiền lương với tốc độ kỷ lục.

Mạng lưới đường sắt của Anh sẽ đối mặt với khả năng gián đoạn hơn nữa, khi hàng chục nghìn nhân viên được dự đoán sẽ đình công trong những ngày tới, sau khi ngành này trước đó đã chứng kiến cuộc đình công lớn nhất 30 năm qua trong mùa Hè này.

Hệ thống tàu điện ngầm của London sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công ngày 20/8, trước khi các nhân viên bốc xếp ở cảng Felixstowe, cảng biển lớn nhất nước Anh, cũng sẽ tiến hành đình công 8 ngày kể từ ngày 21/8.

Nhiều cuộc đình công được lên kế hoạch cho mùa hè này đã được hủy bỏ sau khi các tổ chức công đoàn và phía giới chủ đạt được các thỏa thuận tiền lương vào phút chót.

Nhưng trong khi các nhân viên tiếp nhiên liệu máy bay và nhân viên mặt đất của hãng hàng không British Airways đã hủy các kế hoạch đình công, thì nhiều ngành khác vẫn giữ ý định của mình.

Hơn 115.000 nhân viên bưu chính của công ty Royal Mail dự định sẽ đình công bốn ngày từ cuối tháng Tám. Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” viễn thông BT sẽ đối mặt với cuộc đình công đầu tiên trong 35 năm qua.

Ngoài ra, các cuộc đình công của nhân viên kho của Amazon, các luật sư, giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên thu gom rác cũng đã hoặc sắp diễn ra.

[Anh: Dịch vụ đường sắt bị ảnh hưởng do lái tàu trên cả nước đình công]

Giới phân tích dự đoán làn sóng đình công sẽ còn kéo dài qua mùa hè khi lạm phát tiếp tục gia tăng.

Số liệu chính thức được công bố ngày 17/8 cho thấy lạm phát tại Anh đã chạm mức cao nhất 40 năm qua, trên 10%, khi giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh đang tác động đến hàng triệu người Anh.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự đoán lạm phát sẽ vượt 13% trong năm nay, từ đó có thể đẩy kinh tế nước này vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.

Bà Sharon Graham, người đứng đầu tổ chức công đoàn Unite, cho biết trước sự sụt giảm kỷ lục trong tiền lương thực tế như vậy, các tổ chức công đoàn như Unite cần phải bảo vệ giá trị đồng lương của người lao động, đồng thời phản đối quan điểm của nhiều người, trong đó có Thống đốc BoE rằng tăng tiền lương làm tăng lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.