Anh miễn cưỡng ấn định ngày tham gia bầu cử nghị viện châu Âu

Anh miễn cưỡng ấn định ngày tham gia bầu cử nghị viện châu Âu vào 23/5

Chính phủ Anh đã xác định ngày 23/5 là ngày nước này tiến hành bầu cử nghị viện châu Âu, nhưng khẳng định London không bao giờ có ý định tổ chức sự kiện này, bởi vẫn hy vọng sẽ rời EU ngay trước đó.
(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Ngày 8/4, Chính phủ Anh đã xác định ngày 23/5 là ngày nước này tiến hành bầu cử nghị viện châu Âu, nhưng khẳng định London không bao giờ có ý định tổ chức việc này bởi vẫn hy vọng sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - ngay trước thời điểm đó.

Một người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết, "ngày bầu cử chính thức" đã được đệ trình lên nghị viện, nhưng nói thêm: "Chúng tôi vẫn bảo lưu ý định của chính phủ rằng sẽ rời EU với một thỏa thuận và thông qua các thủ tục pháp lý cần thiết trước ngày 22/5, vì thế chúng tôi không cần tham gia (bầu cử)."

Trước đó, cũng trong ngày 8/4, Công đảng đối lập tại Anh cho biết Thủ tướng Theresa May cho đến nay đã thất bại trong việc thuyết phục Công đảng ủng hộ thỏa thuận Brexit.

Phát biểu tại London, người phát ngôn của Công đảng Anh, ông Keir Starmer cho biết, chính phủ của Thủ tướng Theresa May và Công đảng đối lập vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về thỏa thuận Brexit.

Ông Starmer nói: "Chính phủ của Thủ tướng May cho đến nay không thay đổi lập trường về Brexit và do vậy, hai bên vẫn chưa nhất trí về đường hướng (nhằm tiến tới sự đồng thuận về Brexit)." Tuy nhiên, ông Starmer cho rằng hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được sự nhất trí này. Ông Starmer khẳng định hiện "quả bóng đang nằm bên sân của Chính phủ Anh" đồng thời cho biết "chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào được lập kế hoạch trong ngày 8/4.

Trong khi đó, nữ phát ngôn của Thủ tướng May cho biết nhà lãnh đạo Anh hy vọng các cuộc đàm phán thêm với Công đảng có thể diễn ra vào chiều 8/4 bởi Thủ tướng May muốn đạt được một thỏa thuận Brexit "càng sớm càng tốt." 

Những chia rẽ sâu sắc trong chính giới Anh khiến Hạ viện nước này sau 3 lần bỏ phiếu vẫn không thể thông qua một thỏa thuận Brexit cũng đang khiến EU mất dần kiên nhẫn. Ngày 7/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz một lần nữa kêu gọi Chính phủ Anh và Công đảng đối lập nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp hợp lý và thực tiễn cho quá trình Anh rời khỏi EU, để tránh một Brexit hỗn loạn.

Hôm 5/4, Thủ tướng May đã đưa ra yêu cầu trì hoãn việc nước này rời khỏi EU đến ngày 30/6 tới nhằm tạo điều kiện cho Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận "ly hôn" với EU. Đây là lần thứ hai Anh đề xuất kéo dài thời hạn chót Brexit do nội bộ Anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận Brexit, trong khi London vẫn kiên quyết muốn Anh rời khỏi EU cùng với một thỏa thuận để đảm bảo lợi ích của nước này.

Hiện chưa rõ quyết định sau cùng của EU, song nhiều nước thành viên trong khối yêu cầu Anh cần làm rõ lý do đối với đề xuất trì hoãn Brexit lần này trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 10/4 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.