Anh, Mỹ phối hợp điều tra đe dọa đánh bom nhằm vào người Do Thái

Cảnh sát Đô thành London của Anh và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra trên 100 lời đe dọa đánh bom nhằm vào cộng đồng người Do Thái tại Mỹ và Anh kể từ ngày 7/1.
Anh, Mỹ phối hợp điều tra đe dọa đánh bom nhằm vào người Do Thái ảnh 1Cảnh sát Las Vegas khám xét Trung tâm Cộng đồng Do Thái tại Nam Nevada sau khi nhận một cuộc gọi đe dọa. (Nguồn: AFP)

Cảnh sát Đô thành London của Anh và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra trên 100 lời đe dọa đánh bom nhằm vào cộng đồng người Do Thái tại Mỹ và Anh kể từ ngày 7/1, trong đó phát hiện có sự liên quan nhất định giữa các mối de dọa này ở hai nước.

Theo các nhà điều tra, giọng nói trong các đoạn băng ghi âm lời đe dọa được thực hiện qua điện thoại hầu hết đều là giọng Mỹ và được chỉnh sửa thông qua các thiết bị biến đổi giọng nói.

Ngoài ra, đại diện cộng đồng người Do Thái ở cả hai nước cũng cho biết làn sóng đe dọa người Do Thái trước hết được thực hiện ở Mỹ nhằm vào các trung tâm cộng đồng, trường học, các văn phòng của các tổ chức quốc gia như Liên đoàn chống Phỉ báng (ADL). Sau đó vài giờ, làn sóng với quy mô nhỏ hơn cũng xuất hiện nhằm vào các tổ chức Do Thái, chủ yếu là các trường học, ở Anh.

Giới chức FBI xác nhận cơ quan này đang tiến hành điều tra các mối đe đọa nhằm vào các tổ chức người Do Thái tại Mỹ, trong khi nguồn tin từ cộng đồng Do Thái ở Anh cũng cho biết, ngoài hợp tác với FBI, Cảnh sát Đô thành London cũng đang tiến hành các cuộc điều tra riêng về những đe dọa này.

Đầu tháng 3/2017, tất cả 100 thượng nghị sỹ Mỹ đã cùng ký tên trong một bức thư gửi Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Giám đốc FBI James Comey để bày tỏ quan ngại trước làn sóng đe dọa nhằm vào người dân vô tội, cũng như gây ảnh hưởng đến nguồn tài chính của các tổ chức Do Thái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.