Theo trang mạng nytimes.com, trong những ngày gần đây, xã hội Anh đang như con thuyền chòng chành và chao đảo trước cơn bão những cảnh báo mạnh mẽ về những nguy cơ rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào.
Nhà máy “đắp chiếu”, không công ăn việc làm, GDP “bốc hơi” 8% và nhiều hậu quả khác.
Thế nhưng, ở quán rượu Hare&Hounds ở thị trấn Sunbury-on-Thames này, những tranh luận về nguy cơ Brexit không thỏa thuận lại vấp phải sự thờ ơ và thậm chí là sự giễu cợt. Không phải những tửu khách ở đây không nghe đến những cảnh báo trên mà là vì họ không tin nguy cơ này sẽ xảy ra.
“Chúng ta đã bị lừa gạt nhiều lần rồi, đúng vậy không?” Steve Ridley, ông khách 60 tuổi đang chơi bida ở quán bình thản hỏi trong khi vẫn thọc gậy bida.
Ông cũng ví những đồn đoán trước thời hạn Brexit chẳng khác nào sự cố máy tính năm 2000, hay còn gọi là Lỗi thiên niên kỷ, Y2K.
Mọi người hoảng hốt ngăn chặn sự sụp đổ hệ thống máy tính trên thế giới song rốt cục lại chẳng xảy ra điều gì.
Người đàn ông làm nghề nhập khẩu phụ tùng môtô này dự đoán rằng Brexit không thỏa thuận sẽ giống như việc sẽ có nhiều công việc giấy tờ hơn cần phải xử lý” song chắc chắn là không có gì nghiêm trọng cả. Và chẳng ai ở quán này phản đối ý kiến trên của Ridley.
Ông Daren Smith, ngồi trên một chiếc ghế đẩu sau Ridley, đã gọi những cảnh báo trên là “phao tin đồn nhảm.”
“Nếu trước đó chính phủ đưa ra những thông số dự báo về hậu quả thì giờ tôi có thể tin chúng,” ông Smith thẳng thừng nói, cho rằng việc trì hoãn thông qua thỏa thuận Brexit chỉ là một hài kịch khó có thể tin được.
Đây chính là tình huống “chơi vơi” của xã hội Anh hiện nay khi rơi vào tình thế buộc phải đưa ra quyết định cho những lựa chọn chính sách lớn nhất trong lịch sử đất nước: Vật vã sau các cuộc tranh luận đảng phái và chủ nghĩa cơ hội chính trị kéo dài 3 năm qua, nhiều cử tri đã mất dần sự tin tưởng đối với các thể chế của đất nước.
Các cuộc thăm dò dư luận do hãng YouGov/Best công bố tuần trước cho thấy 31% người được hỏi nói rằng họ vẫn muốn rời Anh mà không có thỏa thuận nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không vượt qua được “ải” quốc hội vào ngày 15/1 theo giờ địa phương.
[Tổng Giám đốc IMF: Brexit không thỏa thuận là viễn cảnh tồi tệ nhất]
36% người được hỏi nói rằng họ muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 và 16% không biết lựa chọn con đường nào.
Rob Ford, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Manchester,0 giải thích rằng những cảnh báo của chính phủ chỉ như “bóng xịt hơi” một phần vì trước đó bà May không ngớt lời tuyên bố rằng “không thỏa thuận đối với Anh còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi.”
Vị giáo sư này cũng nói rằng những thông tin phát đi từ chính phủ không còn được coi là nguồn đáng tin cậy với người dân nữa.
Theo ông Ford, những cảnh báo trong những tuần qua đáng nhẽ ra phải được chính phủ đưa ra từ hồi tháng 7/2016. Tuy nhiên, đối với những vấn đề mang tính kỹ thuật như các tác động của Brexit đối với chính sách thương mại, người dân có xu hướng tiếp nhận quan điểm của nguồn tin mà họ tin cậy, như nguồn từ giới chính khách, cơ quan báo chí.
Giáo sư đưa ra 2 kết luận sau khi phân tích quan điểm của người Anh về Brexit không thỏa thuận: Thứ nhất, giới chuyên gia nhận thức về các rủi ro nghiêm trọng hơn là công chúng; thứ hai là, quan điểm bị phân cực giữa các đảng phái, điều này cho thấy quan điểm bị chi phối theo “sự trung thành đảng phái.”
Theo ông, trong khi đó, người Anh khó có thể hình dung và tin rằng đất nước sẽ suy sụp khi mà đã từng thoát khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã trong Thế chiến II cũng như thoát khỏi thời kỳ diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ trên khắp Đông Âu thời hậu Cộng sản.
Trở lại quán Hare&Hounds, một không khí bình thản và chẳng ai tỏ ra lo lắng gì. Điều đáng nói là quán nằm ở thị trấn mà đa phần người dân ở đây đã bỏ phiếu rời EU hồi năm 2016. Họ là những công nhân cơ khí, kỹ thuật và nhân viên sân bay Heathrow gần đó.
Thế nhưng, ở một quán rượu mà đa phần khách là giới làm việc trong lĩnh vực tài chính, có lẽ họ sẽ đáp lại những mối quan ngại về rủi ro khi Brexit không thỏa thuận theo một cách hoàn toàn khác biệt./.