Anh sẵn sàng ngăn nạn buôn người và vũ khí trên vùng biển Libya

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định Anh sẵn sàng điều tàu chiến tới các vùng duyên hải Libya để ngăn chặn các tàu buôn người và vũ khí trang bị cho các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Anh sẵn sàng ngăn nạn buôn người và vũ khí trên vùng biển Libya ảnh 1Người di cư trên vùng biển Libya. (Nguồn: AFP)

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản ngày 26/5, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định Anh sẵn sàng điều tàu chiến tới các vùng duyên hải Libya để ngăn chặn các tàu buôn người và vũ khí trang bị cho các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo Thủ tướng Cameron, sự can thiệp của các tàu chiến Anh sẽ giúp Lực lượng Bảo vệ bờ biển non yếu của Libya ngăn chặn nạn buôn người từ châu Phi sang châu Âu.

Ông cũng tin tưởng rằng các hoạt động được triển khai gần bờ sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn.

Các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh cũng sẽ tham gia hoạt động ngăn chặn buôn bán vũ khí, góp phần chặn đứng tình trạng vũ khí từ châu Âu được đưa qua Địa Trung Hải đến tay IS hoặc các tổ chức vũ trang khác.

Tuy nhiên, việc triển khai tàu Hải quân Hoàng gia tại vùng biển Libya sẽ phụ thuộc vào đề nghị chính thức từ Tripoli.

Hải quân Hoàng gia Anh hiện có 4 tàu triển khai tại Địa Trung Hải và đang có kế hoạch điều tàu thứ 5 tới khu vực tham gia ngăn chặn các tàu buôn lậu gần bờ.

Trong tuần này, bốn nhà hoạch định quân sự của Anh cũng đã được cử tới Rome (Italy), đại bản doanh của "Chiến dịch Sophia" - sứ mệnh hải quân tại Địa Trung Hải. Tại đây, các nhà hoạch định quân sự Anh sẽ làm việc với các đối tác Liên minh châu Âu (EU) về một kế hoạch thực hiện tại Libya.

Tuyên bố của Thủ tướng Anh được đưa ra trong bối cảnh một tai nạn chìm thuyền chở người di cư vừa xảy ra ngoài khơi Libya làm ít nhất 80 người thiệt mạng.

Ông Tim Farron, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LibDem) của Anh cho rằng EU cần phải có biện pháp triệt để hơn nữa để ngăn chặn tình trạng người di cư phó thác số mệnh mình trên những con thuyền vượt biển vào châu Âu, bởi việc tuần tra trên Địa Trung Hải mặc dù có thể giúp cứu nhiều mạng sống nhưng không phải là một giải pháp dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.