Anh sẽ cho phép quân đội đứng ngoài Công ước Nhân quyền châu Âu

Anh sẽ bảo vệ binh sỹ của mình đang đóng quân ở nước ngoài khỏi những "rắc rối" về vi phạm nhân quyền bằng cách cho phép họ không tham gia Công ước Nhân quyền châu Âu trong các xung đột.
Anh sẽ cho phép quân đội đứng ngoài Công ước Nhân quyền châu Âu ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh sẽ bảo vệ lực lượng vũ trang nước này đang đóng quân ở nước ngoài khỏi những "rắc rối" về vi phạm nhân quyền bằng cách cho phép các binh sỹ Anh không tham gia Công ước Nhân quyền châu Âu trong các cuộc xung đột tương lai.

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra ngày 4/10 tại Hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh.

Đảng bảo thủ cầm quyền của Anh đã chỉ trích cái gọi là những đơn kiện không chính xác nhằm vào các binh sỹ Anh trở về từ chiến tranh, đặc biệt là các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.

Chính phủ Anh cho biết đã chi hàng triệu bảng cho các vụ kiện này.

Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh Chính phủ Anh sẽ giúp chấm dứt những "phiền toái" đeo bám các quân nhân phục vụ trong các cuộc xung đột trước đây, đồng thời cho phép các binh sỹ đứng ngoài Công ước nhân quyền châu Âu trong thời gian diễn ra xung đột tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Chính phủ Anh cũng đảm bảo rằng các binh sỹ nước này sẽ nhận được sự ủng hộ của chính phủ khi họ trở về từ các cuộc chiến.

Mặc dù Chính phủ Anh có thể cho phép quân nhân nước này đứng ngoài Công ước nhân quyền châu Âu, nhưng các binh sỹ Anh sẽ vẫn phải tuân thủ các Công ước Geneva.

Kể từ năm 2003, khi quân đội Anh tham gia vào chiến dịch do Mỹ đứng đầu tại Iraq, nhiều đơn kiện liên quan đến vi phạm nhân quyền đã nhằm vào các binh sỹ Anh.

Nhiều trường hợp đã được minh oan. Kể từ năm 2004, Bộ Quốc phòng Anh đã chi hơn 100 triệu bảng Anh cho các cuộc điều tra, tìm hiểu hoặc bồi thường liên quan đến cuộc chiến tại Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.