Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, các nhà quản lý, chứ không phải các nhà lập pháp, nên quyết định xem Facebook có cần giấy phép ngân hàng để ra mắt loại tiền kỹ thuật số mới Libra hay không.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 15/7, ông Hammond cho rằng chính phủ Anh sẽ tìm kiếm một "thỏa ước" với Libra và sẽ không cố gắng ngăn chặn nó.
Dự kiến trong tuần này, tại Mỹ, các ủy ban Thượng viện và Hạ viện sẽ tổ chức các phiên điều trần về đồng tiền điện tử Libra của Facebook và cách nó có thể tác động đến người tiêu dùng, nhà đầu tư và hệ thống tài chính của Mỹ.
Đồng tiền kỹ thuật số này của mạng xã hội lớn nhất thế giới được cho là một giải pháp cho số người tiêu dùng trên thế giới hiện không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Nó cũng được xem là một công cụ kiếm tiền tiềm năng cho Facebook, có khả năng cạnh tranh với thị trường chuyển tiền nhiều tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã nói trên Twitter rằng Facebook sẽ cần giấy phép ngân hàng để vận hành đồng tiền điện tử của mình.
Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, yêu cầu Facebook trở thành ngân hàng là một quyết định không nên được đưa ra bởi các nhà lập pháp.
"Đây là một vấn đề cho các cơ quan quản lý. Chúng tôi có một hệ thống quản lý độc lập và đó thực chất là vấn đề để các cơ quan quản lý xác định, không phải cho các chính trị gia xác định," ông Hammond nói.
Ông Hammond cho biết thêm Chính phủ Anh đã đưa ra quyết định sẽ tìm kiếm một "thỏa ước" về Libra, đồng thời nhấn mạnh nếu được điều chỉnh hợp lý, đó có thể là "một điều rất tích cực."
"Chúng tôi sẽ không quay lưng lại với nó hoặc cố gắng ngăn chặn nó. Chúng tôi sẽ đạt được một thỏa ước với nó và cố gắng làm việc với các bên để đảm bảo rằng nó được điều chỉnh một cách hiệu quả."
Tuy nhiên, ông Hammond cảnh báo rằng, nếu không có sự xem xét kỹ lưỡng, đề xuất của Facebook có thể mang đến "rủi ro lớn" với hệ thống tài chính vì nó có thể nhanh chóng được sử dụng như một công cụ rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Ông nói thêm rằng ông xem Libra khác với bitcoin - loại tiền điện tử phổ biến nhất thế giới - vì hai đồng tiền này có cấu trúc sở hữu đối lập./.