Anh thuyết phục Scotland tiếp tục là một phần Vương quốc Anh

Nước Anh vẫn đang nỗ lực nhằm thuyết phục cử tri Scotland nói "không" với kế hoạch tách khỏi Anh để trở thành quốc gia độc lập.
Anh thuyết phục Scotland tiếp tục là một phần Vương quốc Anh ảnh 1Thủ tướng Anh, David Cameron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một nỗ lực nhằm thuyết phục cử tri Scotland nói "không" với kế hoạch tách khỏi Anh để trở thành quốc gia độc lập, ngày 5/8, Thủ tướng Anh David Cameron cùng Phó Thủ tướng Nick Clegg và thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband đã ký một tuyên bố chung cam kết dành cho Scotland nhiều quyền lợi hơn về pháp luật và thuế.

Theo phóng viên TTXVN tại London, tuyên bố chung này được công bố ngay trước thềm cuộc tranh luận đầu tiên giữa Thủ hiến Scotland kiêm lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) Alex Salmond và ông Alistair Darling, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh hiện lãnh đạo chiến dịch "Better Together" vận động Scotland ở lại Anh, được truyền hình trực tiếp trên kênh STV tối 5/8.

Cuộc tranh luận diễn ra đúng 6 tuần trước khi khoảng 500.000 cử tri Scotland tham gia cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 18/9 để quyết định việc Scotland tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh hay tách ra thành quốc gia độc lập.

Ông Darling dự kiến "tấn công" ông Salmond vào những nghi ngờ của cử tri liên quan đến nguồn lợi dầu mỏ Biển Bắc, tiền tệ Scotland và chi tiêu công trong khi Thủ hiến Scotland sẽ chất vấn vị cựu Bộ trưởng Tài chính về giai đoạn suy thoái kinh tế, các đợt cắt giảm chi tiêu và phúc lợi xã hội của Anh cũng như về liên minh với các đảng cầm quyền. Hai bên sẽ kết thúc màn tranh luận bằng việc giải đáp các câu hỏi của khán giả.

Trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hiện chiến dịch ủng hộ Scotland độc lập vẫn thấp hơn 12 điểm so với chiến dịch thống nhất, ông Salmond đang đứng trước áp lực lớn phải giành chiến thắng trong cuộc tranh luận trên truyền hình.

Bà Jackie Baillie, Bộ trưởng Y tế trong nội các bóng tối của Công đảng Scotland nhận định thách thức đối với ông Salmond hiện nay là làm sao ông có thể thuyết phục cử tri Scotland rằng việc trở thành quốc gia độc lập sẽ không đe dọa nền tài chính công của Scotland như cảnh báo của nhiều chuyên gia.

Theo một phân tích của tổ chức "Các vấn đề tài khóa Scotland," trong trường hợp trở thành quốc gia độc lập vào năm 2016 như kỳ vọng của ông Salmond, thâm hụt tài chính của Scotland trong năm đầu tiên độc lập sẽ cao hơn mức thâm hụt của Anh tới 900 bảng/đầu người, trừ phi nguồn lợi dầu mỏ Biển Bắc tăng gấp đôi so với dự báo hiện nay hoặc Scotland chỉ phải gánh một nửa khoản nợ trong phần dự kiến chia sẻ với Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.