Anh trở thành nước đầu tiên tiêm vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford

Bộ trưởng Y tế Anh khẳng định vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford là "chiến thắng của khoa học Anh" đồng thời coi đây là phương thức duy nhất về lâu dài sẽ đưa thế giới thoát khỏi đại dịch.
Anh trở thành nước đầu tiên tiêm vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford ảnh 1Cụ Brian Pinker là người đầu tiên tiêm vắcxin của tiêm phòng vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 4/1, Anh bắt đầu tiêm vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế.

Như vậy Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho người dân mũi vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford.

Tháng 12/2020, Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng cho người dân vắcxin phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. 

Người đầu tiên được tiêm phòng vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford tại Anh là cụ Brian Pinker, 82 tuổi, bệnh nhân thẩm phân máu. Mũi tiêm được thực hiện tại một bệnh viện chỉ cách cơ sở phát triển vắcxin vài trăm mét.

Cụ ông Pinker đã cảm ơn các nhà khoa học tham gia phát triển vắcxin đồng thời bày tỏ trông đợi được tổ chức lễ kỷ niệm 48 năm ngày cưới của mình trong năm nay.

[AstraZeneca dự kiến mỗi tuần cấp 2 triệu liều vắcxin cho nước Anh]

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford là "chiến thắng của khoa học Anh," coi đây là phương thức duy nhất về lâu dài sẽ đưa thế giới thoát khỏi đại dịch.

Theo ông, Anh đã tiêm 1 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech cho người dân, nhiều hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại.

Với hy vọng có thể đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn các nước khác, Anh là nước tiến hành phê chuẩn việc lưu hành vắcxin phòng COVID-19 cũng như tiêm chủng cho người dân nhanh hơn Mỹ và các nước châu Âu.

Ngoài vắcxin của Pfizer/BioNTech, Anh cũng đã đặt mua 100 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford, có thể bảo quản ở mức nhiệt từ 2 đến 8 độ C, do đó loại vắcxin này dễ phân phối hơn vắcxin của Pfizer/BioNTech - vốn yêu cầu bảo quản ở mức nhiệt âm.

Giới chức Anh cho biết 6 bệnh viện tại vùng England được phép tiêm 530.000 liều vắcxin đầu tiên cho người dân. Chương trình tiêm chủng này sẽ được mở rộng tới hàng trăm người dân ở các vùng khác trong những ngày tới. Chính phủ Anh đặt mục tiêu sẽ tiêm được khoảng 10 triệu liều vắcxin trong những tháng tới.

Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm tại Anh liên tục tăng mạnh, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn chủng gốc.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 55.000 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 2,6 triệu người, trong đó có hơn 75.000 người không qua khỏi - mức cao thứ 2 tại châu Âu.

Chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đã để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên cả nước, để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.