Anh tuyên bố không chấp nhận 'biên giới cứng' với Bắc Ireland

Chính phủ Anh khẳng định không bao giờ chấp nhận đường biên giới hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cho biết sẽ không thay đổi lập trường này.
Anh tuyên bố không chấp nhận 'biên giới cứng' với Bắc Ireland ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/6, người phát ngôn của Chính phủ Anh khẳng định, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận đường biên giới hải quan (tức "biên giới cứng") giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cho biết lập trường này sẽ không thay đổi.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đối thoại về vấn đề biên giới Ireland vẫn không có tiến triển nào mới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng Ba và đây được coi là nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tháng Sáu này, cuộc họp mang tính chất "bàn đạp" hướng tới việc nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10.

Phát biểu trước báo giới, quan chức trên khẳng định Anh cam kết duy trì mục tiêu hợp nhất thị trường nội bộ và London buộc phải thúc đẩy các giải pháp dự phòng cho vấn đề biên giới hải quan do các đề xuất của Ủy ban châu Âu không đạt được tiêu chí này.

Tuyên bố trên là phản ứng mới nhất của Chính phủ Anh đối với bình luận của Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier về phương án xây dựng một thỏa thuận kinh tế nhằm tránh đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, đã được Thủ tướng Anh Theresa May công bố 1 ngày trước đó.

[Vấn đề Brexit: Các tập đoàn châu Âu cảnh báo không đầu tư vào Anh]

Ông Barnier cho rằng phương án có thể không được áp dụng đối với toàn nước Anh.

Theo phương án dự phòng trong thời hạn 1 năm được bà May công bố, Anh muốn xây dựng một thỏa thuận thuế quan tạm thời, theo đó Anh có thể duy trì mối quan hệ liên minh thuế quan của châu Âu thêm 1 năm kể từ sau khi giai đoạn chuyển tiếp 2 năm hậu Brexit kết thúc.

Lâu nay, Anh cam kết sẽ không tạo ra một "đường biên giới cứng" giữa khu vực Bắc Ireland và CH Ireland là thành viên của EU.

Điều này cũng được coi là điều then chốt nhằm duy trì thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành năm 1998.

Tuy nhiên, London cũng tuyên bố sẽ không tham gia Liên minh Thuế quan với EU và hối thúc tìm được giải pháp để cân bằng 2 yêu cầu này.

EU đã đề xuất giải pháp trong đó chỉ có Bắc Ireland ở lại trong Liên minh thuế quan hậu Brexit. Tuy nhiên, London cho rằng việc này sẽ khiến Bắc Ireland tách biệt khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh.

Trong khi những tranh cãi về vấn đề biên giới Bắc Ireland vẫn chưa ngã ngũ, quỹ thời gian đàm phán về thỏa thuận Brexit ngày càng cạn dần.

EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận "ly hôn" với Anh vào tháng 10/2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận này trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29/3/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.