Anh tuyên bố muốn tiếp tục ở lại trong liên minh hải quan với EU

Anh tuyên bố muốn tiếp tục ở lại trong liên minh hải quan với EU vài năm sau khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3/2019, qua đó thể hiện quan điểm Anh lựa chọn cách rời EU một cách uyển chuyển.
Anh tuyên bố muốn tiếp tục ở lại trong liên minh hải quan với EU ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/8, Chính phủ Anh tuyên bố London muốn tiếp tục ở lại trong liên minh hải quan với Liên minh châu Âu (EU) vài năm sau khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3/2019, qua đó thể hiện quan điểm Anh lựa chọn cách rời EU một cách uyển chuyển.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh cũng đưa ra 2 lựa chọn cho sau thời kỳ chuyển tiếp, giai đoạn vài năm sau khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.

Đó là sẽ tạo ra một khuôn khổ đối tác hải quan mới với EU nhằm thừa nhận sự không tồn tại của một đường biên giới hải quan giữa Anh và EU, hoặc lựa chọn thứ 2 là tạo ra một thỏa thuận hải quan mới.

Tuyên bố của Chính phủ Anh cho thấy quan điểm về một Brexit mềm theo như đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đang được chấp thuận, qua đó giúp đảm bảo với giới doanh nghiệp rằng hoạt động xuất khẩu của Anh trong thời gian tới sẽ không bị ảnh hưởng bới Brexit.

[Anh từ chối công bố 50 nghiên cứu “bí mật” về tác động của Brexit]

Chính phủ Anh cũng lạc quan trước khả năng EU sẽ cho phép Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox được bắt đầu các đàm phán về thỏa thuận thương mại mới trong thời kỳ chuyển tiếp.

Hồi cuối tháng Bảy, trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit, Michel Barnier từng tuyên bố EU và Anh chỉ có thể thảo luận về các biện pháp cho thời kỳ chuyển tiếp khi hai bên có một bức tranh rõ ràng hơn về quan hệ EU-Anh hậu Brexit.

Theo ông Barnier, các cuộc thảo luận về những vấn đề đó sớm nhất chỉ có thể bắt đầu vào mùa Thu năm nay.

Tuy nhiên, thời gian cho thời kỳ chuyển tiếp là 2 hay 3 năm sau Brexit sẽ do 26 nước thành viên EU quyết định.

Dự kiến trong 3 tháng tới, Chính phủ Anh sẽ công bố hàng loạt văn bản công khai quan điểm của Anh trong những vấn đề liên quan đến Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.