Anh và Pháp nhất trí tiếp tục thảo luận để tìm lối thoát cho Brexit

Tổng thống Macron cho biết ông ủng hộ tận dụng thêm 1 tháng nữa để tìm kiếm một giải pháp đối với vấn đề biên giới phức tạp giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Anh và Pháp nhất trí tiếp tục thảo luận để tìm lối thoát cho Brexit ảnh 1ổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc họp báo ở Paris ngày 22/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phủ Tổng thống Pháp ngày 22/8 đã ra tuyên bố cho biết, trong cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Paris, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) để tìm kiếm một thỏa thuận "ly hôn," còn gọi là Brexit, cho đến cuối tháng 9/2019.

Tuyên bố nhấn mạnh "bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của châu Âu, mà Tổng thống Macron đã đề cập tới: ổn định tại Ireland và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất."

Tại cuộc gặp, viện dẫn những phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Macron cho biết ông ủng hộ tận dụng thêm 1 tháng nữa để tìm kiếm một giải pháp đối với vấn đề biên giới phức tạp giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều khoản "chốt chặn" liên quan tới vấn đề biên giới trên đảo Ireland là điều "tuyệt đối không thể thiếu" và tất cả các cuộc đàm phán phải dựa trên thỏa thuận Brexit đạt được giữa cựu Thủ tướng Anh Theresa May và giới lãnh đạo EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Johnson tái khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 bất kể có đạt được thỏa thuận hay không. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời kêu gọi "hãy để Brexit được hoàn tất một cách hợp lý và thực tế phù hợp với lợi ích của hai bên."

Ông nêu rõ dù có đạt được thỏa thuận hay không thì vẫn phải đảm bảo việc Anh rời khỏi EU sẽ diễn ra suôn sẻ và ít gây tổn hại nhất.

[Điều khoản chốt chặn vẫn là trở ngại đối với thỏa thuận Brexit]

Đối với điều khoản "chốt chặn" gây tranh cãi, nhà lãnh đạo Anh cho rằng các giải pháp "luôn sẵn có" để tránh việc thiết lập các trạm kiểm soát hải quan tại khu vực biên giới giữa nước thành viên EU là Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh.

Pháp là chặng thứ hai trong chuyến công du của tân Thủ tướng Anh tới các nước châu Âu nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Brexit trước thời điểm Anh rời EU, đặc biệt là vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU thời kỳ hậu Brexit.

Điều khoản "chốt chặn" là đề xuất của EU, đã được Anh và EU đưa vào thỏa thuận Brexit ký kết hồi tháng 11/2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan.

Tuy nhiên, điều khoản này buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế và là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit kể trên không được Quốc hội Anh ủng hộ, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc.

Cựu Thủ tướng Theresa May đã phải xin gia hạn Brexit tới 2 lần trước khi từ chức. Tân Thủ tướng Anh Johnson nhiều lần kêu gọi EU loại bỏ điều khoản này, song EU vẫn giữ quan điểm ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại và từ chối đàm phán lại.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 22/8, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Phần Lan Tytti Tuppurainen nói rằng người châu Âu "nên có sự kiên nhẫn" để trì hoãn Brexit một lần nữa nếu London yêu cầu điều đó.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Amelie de Montchalin, bà Tuppurainen nói rằng Phần Lan hoàn toàn tôn trọng nhiệm vụ của nhà đàm phán EU Michel Barnier.

Với tư cách là Chủ tịch của Hội đồng EU, Phần Lan đang tìm kiếm sự hợp tác tốt với Thủ tướng Anh Johnson.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin khẳng định "Pháp không mong muốn Brexit không có thỏa thuận, mà nên là một giải pháp có trật tự. Nhưng đây sẽ là quyết định của Quốc hội và Chính phủ Anh, chứ không phải là quyết định của EU"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.