Anh-Việt chia sẻ kinh nghiệm doanh nghiệp xã hội

Buổi tọa đàm về tạo dựng môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp xã hội: Kinh nghiệm của Việt Nam-Anh, tổ chức chiều 20/2, tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm về tạo dựng môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp xã hội: Kinh nghiệm của Việt Nam và Vương quốc Anh, tổ chức chiều 20/2, tại Hà Nội.

Tạo đàm này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới nâng cao hiểu biết của các cấp, ngành, cơ quan và xã hội do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, doanh nghiệp xã hội là một trong những mô hình kinh tế bền vững và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Nhà nước cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề của xã hội.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp xã hội cần có những quyền riêng, được thành lập để giải quyết một số vấn đề của xã hội, chứ không phải chạy theo lợi nhuận; khi các doanh nghiệp xã hội này hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận này sẽ đầu tư ngược lại để phát triển chính các doanh nghiệp xã hội. Do đó, cần tạo ra một môi trường kinh doanh và cần có những chính sách để phát triển doanh nghiệp xã hội.

Ông Chris Brown, Giám đốc Hội đồng Anh cho rằng, doanh nghiệp xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển xã hội của Hội đồng Anh tại Việt Nam; tin tưởng những kinh nghiệm thực tế và phong phú từ Vương quốc Anh sẽ giúp cơ quan, ban, ngành Việt Nam có được sự so sánh rõ ràng hơn về bối cảnh của hai nước, từ đó rút ra những sáng kiến và biện pháp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xã hội.

Tại Việt Nam, trong số hơn 200 doanh nghiệp xã hội đang hoạt động trên 40 tỉnh, thành, nhiều doanh nghiệp xã hội đã bước đầu gặt hái thành công, chứng minh ảnh hưởng tới cộng đồng. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp xã hội còn hạn chế do gặp phải nhiều khó khăn như việc doanh nghiệp xã hội chưa có địa vị pháp lý rõ ràng và sự công nhận chính thức từ Nhà nước, dẫn tới không có khả năng tiếp cận nguồn tài chính và hỗ trợ đào tạo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội cũng tồn tại nhiều vấn đề chủ quan như hạn chế về nguồn vốn, về nhân sự có năng lực và kỹ năng phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Marie Magimay, Giám đốc phụ trách nguồn lực doanh nghiệp thuộc tổ chức doanh nghiệp xã hội Anh cho biết là quốc gia có lịch sử phát triển doanh nghiệp xã hội lâu đời, Vương quốc Anh là nơi chứng kiến thành công nổi trội của loại hình doanh nghiệp này trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế như sức khỏe và chăm sóc xã hội, năng lượng tái chế, thực phẩm, nhà ở, bán lẻ và giao thông.

Tính tới năm 2013, tại Anh đã có 70.000 doanh nghiệp xã hội, chiếm 5% tổng số đơn vị kinh tế và đóng góp 24 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế, mang lại việc làm cho 1 triệu người, bà Marie Magimay cho biết.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia từ Vương quốc Anh và Việt Nam chia sẻ về thực tiễn phát triển doanh nghiệp xã hội; trong đó, đại diện từ Vương quốc Anh đã chia sẻ những hoạt động nhằm tạo lập môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp xã hội và những tác động mà doanh nghiệp xã hội mang lại cho cộng đồng như những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp xã hội, thành lập khung pháp lý cho doanh nghiệp xã hội…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục