Ankara trấn an giới doanh nghiệp Đức làm ăn tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/7 trấn an giới doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước; đề cao vai trò của giới doanh nghiệp Đức tại đây.
Ankara trấn an giới doanh nghiệp Đức làm ăn tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 27/7 đã trấn an giới doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước có thể khiến các doanh nghiệp Đức có nguy cơ trở thành mục tiêu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới hoạt động "tài trợ khủng bố."

Theo hãng thông tấn Anadolu, phát biểu với lãnh đạo các doanh nghiệp Đức tại ở thủ đô Ankara, Thủ tướng Yildirim cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đề cao vai trò của giới doanh nghiệp Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là giới doanh nghiệp Đức không bị phương hại bởi những diễn tiến gần đây trong quan hệ hai nước.

[Đức phong tỏa tất cả số vũ khí chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ]

Ông Yildirim đưa ra những lời trấn an trên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho nhà chức trách Đức danh sách gồm 700 công ty Đức bị Ankara nghi ngờ tài trợ cho khủng bố, động thái có thể đẩy lãnh đạo các công ty này đứng trước nguy cơ bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.

Tuy nhiên sau đó, Ankara đã rút lại danh sách này, cho rằng danh sách chỉ liên quan tới 140 công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara có động thái trên sau khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hồi tuần trước kêu gọi các công ty Đức không đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết nước này sẽ tiến hành "xem xét lại" toàn bộ mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một năm qua, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng sóng gió liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố...

Mâu thuẫn giữa hai nước thành viên NATO này tiếp tục leo thang sau khi Ankara từ chối cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Đức đã ngăn chặn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này để tiến hành vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp nhằm tập trung quyền lực vào tay Tổng thống Tayyip Erdogan).

Quan hệ căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/7 vừa qua ra lệnh bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có một công dân Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng vụ bắt giữ là "khó hiểu" và "không thể chấp nhận được."

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những hành động phản đối của giới chức Đức đang can thiệp trực tiếp vào hệ thống tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và vượt quá giới hạn cho phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.