Áo nối lại kiểm soát biên giới do người nhập cảnh trái phép tăng vọt

Các biện pháp thắt chặt kiểm soát đường biên giới với Slovakia sẽ được triển khai từ nửa đêm cùng ngày tại 11 trạm kiểm soát trong ít nhất 10 ngày tới.
Áo nối lại kiểm soát biên giới do người nhập cảnh trái phép tăng vọt ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho biết nước này sẽ tạm thời nối lại hoạt động kiểm soát dọc đường biên giới với Slovakia sau khi Cộng hòa Séc có động thái tương tự do số lượng người nhập cảnh trái phép tăng vọt trong thời gian gần đây.

Theo Bộ trưởng Gerhard Karner, các biện pháp thắt chặt kiểm soát đường biên giới với Slovakia sẽ được triển khai từ nửa đêm cùng ngày tại 11 trạm kiểm soát trong ít nhất 10 ngày tới. Phát biểu với báo giới, ông nhấn mạnh nước này cần phải hành động nhanh hơn những kẻ buôn người.

Áo - quốc gia dưới sự lãnh đạo của chính phủ theo đường lối bảo thủ, đã phản đối gay gắt tình trạng vượt biên trái phép vào nước này trong thời gian gần đây và hiện cũng đang tăng cường kiểm soát biên giới với Hungary và Slovenia. Trong thời gian từ tháng 1-8 vừa qua, 56.000 người đã nộp đơn xin tị nạn ở Áo, cao hơn con số của cả năm ngoái nhưng ít hơn so với năm 2015.

[Áo triển khai binh sỹ tới biên giới ngăn chặn dòng người di cư bất hợp]

Trước đó, Cộng hòa Séc ngày 27/9 thông báo nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovakia trong ít nhất 10 ngày từ tuần này.

Sau tuyên bố trên của Cộng hòa Séc, người phát ngôn Bộ Nội vụ Slovakia Zuzana Eliasova cho biết nước này sẽ tôn trọng quyết định của quốc gia láng giềng nhưng cho rằng "vấn đề cần phải được thảo luận ở cấp Liên minh châu Âu (EU)."

Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia hiện là các thành viên của Khu vực tự do đi lại Schengen gồm 26 quốc gia ở châu Âu.

Hồi tháng 4 năm nay, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã chỉ trích biện pháp kiểm soát dài hạn của Áo ở biên giới với Slovenia.

ECJ cho rằng các nước thành viên EU chỉ có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới dài hạn khi đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng mới có thể ảnh hưởng đến trật tự công cộng hoặc an ninh trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.