Ngày 3/3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã phản đối mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở cửa biên giới cho hàng chục nghìn người tị nạn muốn tới Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kurz cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sử dụng người tị nạn làm vũ khí gây áp lực với EU.
Theo ông Kurz, đây là phép thử xem liệu EU có thể bảo vệ biên giới bên ngoài hay không, đồng thời nhấn mạnh Áo sẵn sàng ủng hộ Hy Lạp và bất cứ quốc gia nào khác trước "sự công kích" này. Ông Kurz cho rằng các bên cần phối hợp để sự kiện năm 2015 không lặp lại.
Ngày 27/2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cho phép người di cư vượt qua biên giới nước này vào châu Âu, bất chấp thỏa thuận năm 2016 với EU, trong đó Ankara cam kết giữ người di cư ở trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
[Người di cư Syria thiệt mạng ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp]
Tuyên bố này được đưa ra sau một vụ không kích ở Syria khiến 33 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Động thái này của Ankara được xem là nhằm gây sức ép để EU tăng cường hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ cuộc xung đột tại Syria.
Dòng người di cư ồ ạt trong những ngày qua làm tái hiện cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu năm 2015-2016, khi đó Áo ở vị trí như một hành lang để hàng trăm nghìn người di cư đi qua Hy Lạp và các nước Balkan vào Đức.
Dự kiến EU sẽ cử các quan chức cấp cao nhất tới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong bối cảnh có nhiều quan ngại về cuộc khủng hoảng người di cư mới.
Theo kế hoạch, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc họp cấp cao về vấn đề Syria và người di cư. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli sẽ có cuộc họp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis để thảo luận về vấn đề di cư.
Phía Hy Lạp đã kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong cuộc họp này. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người di cư đã tập trung cách khu vực biên giới Hy Lạp 200km hoặc dùng bè tự chế để tới quần đảo Aegean của Hy Lạp với mục đích vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.
Theo số liệu của Chính phủ Hy Lạp, khoảng 24.023 người đã bị chặn ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/2 tới tối 2/3, sau khi Chính phủ Hy Lạp điều binh sỹ và cảnh sát tới tăng cường lực lượng tại đây./.