Ngày 26/11, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng Trần Tứ Quý thông tin, Bệnh viện vừa áp dụng phương pháp xạ trị áp sát suất liều cao để điều trị cho bé gái 2 tuổi mắc bệnh Rhabdomyosarcoma (sarcoma cơ Vân).
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam sử dụng phương pháp này với bệnh nhi.
Bệnh nhi là P.K.V, sinh năm 2018, quê Hải Dương. Bé bị mắc bệnh Rhabdomyosarcoma (sarcoma cơ Vân), có khối u 5cm lan xuống âm đạo.
Đây là loại ung thư chiếm khoảng 3-4% trong các loại ung thư ở trẻ em. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi dưới 7 tuổi, có thể xuất phát từ nhiều cơ quan khác nhau và hiếm gặp ở cơ quan âm hộ. Để điều trị, bệnh nhân phải thực hiện xạ trị áp sát suất tại chỗ, phương pháp này cần đảm bảo buồng trứng nhận liều lại chỉ < 1 Gy (quy định <4 Gy).
[Ứng dụng các tiến bộ điều trị ung thư ngang tầm các nước tiên tiến]
Ngày 2/11, bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Để thực hiện chữa trị cho trường hợp này, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã tự thiết kế 1 bộ áp cá nhân phù hợp với kích thước âm đạo của bé.
Đồng thời dựa vào hình ảnh MRI (Magnetic Resonance Imaging - chụp cộng hưởng từ) trước điều trị, tính liều bằng phương pháp HIPO để tối ưu hóa liều xạ giống như xạ trị ngoài để giảm liều bàng quang, trực tràng; thực hiện xạ trị trong 10 buổi, hàng ngày. Sau khi điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có tác dụng phụ và đã xuất viện ngày 24/11.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng Trần Tứ Quý cho hay để chữa trị cho bệnh nhi này, Bệnh viện đã tổ chức phối hợp giữa các khoa, thực hiện theo đúng quy trình.
Sau quá trình nghiên cứu phương pháp, áp dụng các kỹ thuật hiện đại, Bệnh viện đã chữa trị thành công ca bệnh này. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam sử dụng phương pháp xạ trị áp sát suất liều cao cho trẻ em./.