Áp lực lạm phát của Mỹ gây ra nhiều khó khăn cho chính sách của Fed

Theo chuyên gia, Fed đã hành động vội vàng khi cắt giảm lãi suất vì có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn còn tồn tại và đang bắt đầu tăng trở lại.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C. (Nguồn: THX/TTXVN)
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo các chuyên gia Mỹ, áp lực lạm phát tại nước này, đặc biệt là từ các chính sách của chính quyền sắp tới, sẽ gây khó khăn cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tạo ra nhiều thách thức trong năm 2025.

Mặc dù lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 2,5% từ mức hơn 9% vào giữa năm 2022, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định lạm phát đã được kiểm soát.

Ông Richard Roberts, Giáo sư kinh tế tại Đại học Monmouth và cựu quan chức của Fed, cho rằng Fed đã hành động vội vàng khi cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và sau đó tiếp tục cắt giảm vào tháng 11. Ông Roberts cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn còn tồn tại và đang bắt đầu tăng trở lại.

Đề cập đến các chính sách được cho là sẽ khiến lạm phát gia tăng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất, ông Roberts cho rằng: "Ngay cả khi không có ông Donald Trump, chúng ta vẫn chưa chiến thắng lạm phát". Chuyên gia này nhận định các chính sách của ông Trump là một "hỗn hợp", trong đó lập trường về nhập cư và thuế quan sẽ khiến lạm phát gia tăng, nhưng việc tăng sản xuất năng lượng và bãi bỏ quy định được dự đoán sẽ tạo ra một số áp lực giảm lạm phát.

Ông Shanquan Li, Giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư cấp cao cho nhóm Cổ phiếu Toàn cầu tại Invesco Limited, một công ty quản lý đầu tư độc lập của Mỹ, cho rằng lạm phát của Mỹ có thể chưa thực sự được kiểm soát và có khả năng sẽ sớm tăng trở lại, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ông Li cảnh báo nếu các đề xuất chính sách của ông Trump bắt đầu được thực hiện, vấn đề lạm phát sẽ lại xảy ra.

Mặc dù số liệu thống kê gần đây cho thấy dữ liệu lạm phát của Mỹ phần lớn phù hợp với các dự đoán, nhưng quá trình giảm lạm phát đã chững lại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần tăng tốc đầu tiên kể từ tháng 3/2024. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 1,9% của tháng trước đó. Theo ông Roberts, nhìn chung lạm phát đang có xu hướng tăng lên và sẽ ở mức khoảng 3% vào cuối năm 2025.

Fed đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách vào tháng Chín bằng cách cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed có thể bị thách thức trước áp lực lạm phát mới.

Ông Roberts lưu ý rằng Fed đang hy vọng sẽ hạ lãi suất xuống mức trung lập khoảng 4% theo thời gian, nhưng điều này là không thể nếu lạm phát tiếp tục tăng lên như hiện nay. Các mục tiêu của Fed đang trở nên khó khăn do áp lực lạm phát từ phía chính sách và sự phụ thuộc liên tục vào lãi suất để chống lạm phát. Theo ông, điều này làm phức tạp thêm chính sách tiền tệ của Fed.

Vị giáo sư dự báo việc hoạch định chính sách của Fed sẽ trở nên rất khó khăn trong năm tới. Ông cho rằng trong bối cảnh người dân Mỹ đã phải chịu đựng tình trạng lạm phát cao trong vài năm qua, bất kỳ mức lạm phát nào vượt quá mục tiêu của Fed đều không thể chấp nhận được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....