Áp thấp nhiệt đới có khả năng gây lốc xoáy và gió giật mạnh

Chiều nay (5/11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh Bình Thuận​-Bà Rịa Vũng Tàu.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng gây lốc xoáy và gió giật mạnh ảnh 1Đường Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn bị ngập sâu, giao thông đi lại rất khó khăn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Chiều nay (5/11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh Bình Thuận​-Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Áp thấp nhiệt đới đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 trên vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu. Vùng ven biển Bình Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 6.

Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Nông, Lâm Đồng và khu vực Nam Bộ đêm nay và sáng mai, có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến khoảng 20-50mm, có nơi trên 70mm) và rải rác có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Đây là tin cuối cùng về ảnh hưởng gió mạnh của áp thấp nhiệt đới.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng trên sông, biển chấp hành lệnh cấm xuất bến từ 22 giờ ngày 4/11 cho đến khi có lệnh mới.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy sản; thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản... ven sông, ven biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này.

Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và Công an thành phố duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn, mưa bão gây ra.

Hiện, Hồ Dầu Tiếng đang vận hành điều tiết hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng với thời gian xả từ 7 giờ ngày 3/11 đến 7 giờ ngày 10/11 với lưu lượng xả xuống hạ du là 200 m3/s. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành, quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động phòng, chống, ứng phó khi xảy ra tình huống bất lợi.

Mưa lớn từ ngày 30/10 đến ngày 5/11 đã gây ngập lụt và thiệt hại ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo số liệu thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ đã làm 2 người chết và 2 người bị thương.

Mưa lũ cũng làm 189 ngôi nhà sập, vùi lấp; 116 nhà tốc mái; 1.450 nhà ngập nước; 333 hộ di dời, 230 hộ bị cô lập. Có 14km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khối lượng 20.240m3; 19 điểm bị ngập, 18 cống và 9 cầu nhỏ bị hư hỏng; 30m kè, 2.244m bờ sông, 11,49km kênh mương bị sạt lở, khối lượng 7.250m3; 11 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, khối lượng 1.150m3; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi.

Về nông nghiệp, 1.664 ha lúa mùa, 628ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi và thiệt hại khác. 60 tấn ximăng, 10 tấn thức ăn gia súc bị ướt; 22 trụ điện hạ thế bị ngã, 1.450 giếng nước bị ngập... Tổng thiệt hại bước đầu khoảng trên 100 tỷ đồng.

Cụ thể như tại thành phố Quy Nhơn có nhiều cây xanh, trụ điện ngã đổ. Nước tràn qua đê thượng lưu đập Phú Hòa trên địa phường Nhơn Phú. Nhiều khu vực bị ngập nước tại phường Bùi Thị Xuân, Nhơn Phú, Nhơn Bình, xã Phước Mỹ, xã Nhơn Hải ảnh hưởng tới 154 hộ dân và một số cơ quan nhà nước.

Huyện Tuy Phước nước ngập chia cắt các xã Phước Lộc, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Thắng. Mất điện lưới tại 2 xã Phước Hòa, Phước Thắng làm 180 nhà dân bị sập, 2 cầu gỗ bị cuốn trôi.

Thị xã An Nhơn nước ngập nước ngập chia cắt cục bộ nhiều khu vực tại phường Nhơn Hòa, phường Bình Định, xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Phong, Nhơn Lộc. Có 3 nhà sập và tốc mái. Mưa lũ gây ngập lụt ở các xã Hoài Châu Bắc, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Phú, Hoài Châu thuộc huyện Hoài Nhơn. Có 604 ha lúa bị ngập úng, 2 nhà sập, 31 nhà tốc mái, 190 nhà ngập nước, 4 km đường giao thông bị sạt lở.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục