Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới

Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới ảnh 1Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ, ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

[Áp thấp tác động đến đất liền, hướng về khu vực Nam Trung Bộ]

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 9 đến 13 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110 đến 115,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi vào khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10 đến 14 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trên biển, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-5m, biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4m, biển động.

Ngoài ra, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to

Từ rạng sáng ngày 25/10 (từ 1 giờ đến 7 giờ sáng 25/10), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Dự báo trong ngày 25/10, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng từ 10-30mm, có nơi trên 50mm; các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa từ 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Do mưa lớn kéo dài, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu đó, người dân cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục